Bình luận: Con đường nào cho Đại học...

(VOH) - Tính từ ngày giải phóng Thủ đô năm 1954 đến nay, nền giáo dục đại học nước ta đã có bề dày tròn 60 năm. Chừng ấy thời gian trôi qua cũng là những năm tháng không ngừng vươn lên trong biết bao gian nan và khó nhọc của đại học Việt Nam. Thành tích lớn nhất có lẽ là hệ thống hàng trăm trường Đại học – Cao đẳng khắp cả nước đã đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên thuộc các lĩnh vực, ngành nghề và đóng góp của họ vào công cuộc xây dựng kiến thiết, bảo vệ nước nhà là vô cùng to lớn.

Sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm đang thực hành. Báo huongnghiep.vn


Lâu năm là vậy, song nền Giáo dục đại học của ta hiện nay vẫn đang tiếp tục bộc lộ những khiếm khuyết cứ lặp đi lặp lại và chưa thể khắc phục. Có hàng trăm ngàn sinh viên thường xuyên đang theo học các trường trong cả hệ thống, vậy nhưng cũng có hơn 175.000 cử nhân hiện đã tốt nghiệp ra trường mà không tìm được việc làm do thiếu sự cân đối giữa đầu vào và đầu ra, giữa đào tạo và nhu cầu thực của xã hội. Việc thi cử năm nào cũng loay hoay, vất vả và quá tốn kém cho gia đình và xã hội. Quá trình đào tạo còn nặng nề, có phần mòn cũ và chưa thực sự đồng đều về chất lượng. Thực trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị, giảng viên... là phổ biến và kéo dài.

Hơn chục năm nay, chủ trương xã hội hóa giáo dục đã cho ra đời thêm nhiều đại học dân lập và tư thục rải đều trên nhiều tỉnh, thành, mà hậu quả của nó hiện đang là điều cần suy ngẫm - nhất là tình trạng đầu vào hạn chế, chỉ tiêu tuyển sinh không đạt, lại thiếu và yếu cả cơ sở vật chất lẫn số lượng giảng viên cơ hữu. Trong khi đó thực trạng đặt nặng chuyện kinh doanh, nội bộ lục đục... đã thấy xảy ra ở không ít trường. Hệ thống đại học công lập cũng chưa phát triển đồng đều và cũng phát sinh không ít vấn đề trong quản lý và đào tạo.

Có lẽ vì vậy mà cho tới nay chúng ta chưa thể trở thành Quốc gia có nền giáo dục đại học mạnh, ngoại trừ tháng 1 năm 2012, Đại học Quốc Gia Hà Nội lọt vào top 1.000 các trường đại học của thế giới, và hy vọng lọt vào top 500 lại là điều quá xa vời... Còn những trường mà trong nước thừa nhận là đại học thuộc loại hàng đầu như Bách Khoa, Y dược của Hà Nội và TP.HCM… thực ra đang ở thứ bậc quá xa so với châu Á và Thế giới.

Trước thực tế còn quá ngổn ngang như vậy, đã nhiều năm qua, vấn đề nâng chất và cải tiến hệ thống đại học nước nhà đã từng được đặt ra trong nhiều hội thảo khoa học, nhiều hội nghị quốc tế và cả trong các kỳ họp Quốc hội… có nhiều ý kiến đã chỉ ra các yếu kém cần khắc phục, cách làm, cũng như lối ra cho Giáo dục đại học Việt Nam. Vậy nhưng rồi mọi chuyện dường như vẫn chưa có những chuyển biến tích cực mang tính đột phá và bước ngoặt… và trong Hội nghị trực tuyến Hiệu trưởng các trường đại học cả nước được tổ chức ngày 15/8 vừa qua, một lần nữa nhiều kiến nghị lại tập trung vào việc cần có một kỳ thi Quốc gia để thống nhất hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi Đại học – Cao đẳng; Giao tinh thần tự chủ về nhân sự, tài chính, đào tạo… cho các trường, đồng thời giải quyết khó khăn cho các trường Đại học ngoài công lập.

Phát biểu chỉ đạo mang tính định hướng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trước mắt, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu nghiêm túc và công bố ngay về kỳ thi Quốc gia một cách rõ ràng trước năm học mới này. Kỳ thi quốc gia sẽ là cơ sở để xét tốt nghiệp phổ thông và giúp các trường tuyển sinh vào đại học trên tinh thần tự chủ. Vậy nên sẽ tổ chức thi môn gì và quan trọng hơn là làm sao đảm bảo tính trung thực, khách quan và giảm bớt những phiền hà, nhiêu khê, tốn kém. Đây phải là kỳ thi ổn định trong quá trình tiến tới cải cách, đổi mới cả chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Trước mắt, kỳ thi phải thiết kế làm sao để làm căn cứ đáng tin cậy cho tuyển sinh ĐH. Còn lâu dài các trường tự chủ lên và siết chất lượng đầu ra. Cứ ai tốt nghiệp THPT thì có quyền ghi danh học ĐH, lúc đó vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT là chính…”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý thêm: “…cái mà người dân cần biết và quan tâm là con em họ nên thi vào trường nào để đảm bảo chất lượng, ra trường có công ăn việc làm và có cơ hội thăng tiến. Cũng từ đây mà các nội dung đầu tư vào giáo dục ĐH, CĐ, dạy nghề luôn cần phải được quan tâm, luôn cần đầu tư rất lớn và rất nhiều và làm sao cho hiệu quả. Vậy nhưng nhiều năm qua việc đầu tư cho giáo dục lại rất thiếu trong khi nhu cầu là rất cao…”. Phó Thủ tướng còn nhấn mạnh là làm sao để các nhà đầu tư vào giáo dục yên tâm, làm cách nào để các trường công sử dụng tiền của dân hiệu quả hơn nữa. Tự chủ thế nào, khuyến khích tự chủ ra sao và muốn tự chủ được thì phải mạnh dạn không xin ngân sách nữa…

Con đường nào cho Giáo dục đại học Việt Nam là vấn đề vẫn còn đang ở phía trước. Vậy nhưng rõ ràng là đã tới lúc chúng ta không thể chần chừ và chậm chân thêm được nữa. Yêu cầu đổi mới và chuyển động mạnh mẽ ngành giáo dục nói chung và Đại học – Cao đẳng nói riêng đã đặt ra cho Bộ GD-ĐT trách nhiệm về một chiến lược phát triển đồng bộ, khoa học và trước mắt, mọi chuyển biến phải được nhìn thấy ngay từ đầu năm học mới này./.

Mai Lê

Bình luận