Đề xuất giảm giá điện sẽ được Bộ trưởng Bộ Công thương đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/4 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Đề xuất phương án giảm giá điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện trong ba tháng, từ ngày 1/4 - 1/7, để tháo gỡ khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh do tác động của dịch COVID-19.
Bộ Công Thương đề xuất giảm 10% giá điện sinh hoạt. Ảnh: TTXVN.
Đối với khách hàng sinh hoạt, tại tờ trình, Bộ Công thương đề nghị giảm 10% giá các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4, từ tháng 4 đến tháng 6. Theo sản lượng tiêu thụ điện các năm trước thì số tiền được giảm là gần 3.000 tỉ đồng. Bộ Công thương cho rằng, đây là các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid -19.
Bộ đề xuất giảm giá điện sinh hoạt các bậc thang từ 1 - 4, giữ nguyên giá bậc thang từ 300 kWh trở lên, vì khách hàng tiêu thụ điện ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Theo Bộ Công Thương, các khách hàng sinh hoạt dưới 300 kWh/tháng sẽ được hỗ trợ trên 10% tiền điện hàng tháng. Các đối tượng này chủ yếu là người lao động, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Ước tính số tiền hỗ trợ khách sinh hoạt là 2.930 tỷ đồng.
Việc thực hiện hỗ trợ trong 3 tháng, với số tiền hỗ trợ đối với khách hàng sản xuất và kinh doanh 6.104 tỉ đồng, tương đương doanh thu EVN giảm tương ứng.
Đối với khách hàng du lịch, Bộ Công thương đề xuất giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá áp cho khách hàng kinh doanh dịch vụ xuống bằng áp giá cho họ sản xuất và áp dụng từ tháng 4. Số tiền hỗ trợ 1.840 tỉ đồng.
Theo Bộ Công thương, ưu điểm của phương án này là tất cả các khách hàng sản xuất, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn sản xuất 3 ca hay các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca đều được hỗ trợ tiền điện. Việc duy trì giá giờ cao, thấp điểm cũng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm vào giờ cao điểm, khuyến khích sử dụng điện vào giờ bình thường.
Bộ Công thương cũng dẫn đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan việc này để phân tích, so sánh. Cụ thể, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất bãi bỏ quy định khung giờ cao điểm bán điện (9 giờ 30 - 11 giờ 30), thu hẹp bậc thang biểu tính giá điện, trước mắt nghiên cứu giảm 50% giá điện giờ cao điểm từ tháng 3 đến tháng 10; áp dụng giá điện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch bằng với mức giá điện áp dụng cho các cơ sở kinh doanh khác.
Bộ Công Thương cũng đề xuất miễn tiền điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở cách ly, khám chữa tập trung chỉ liên quan đến dịch COVID-19 và giảm 20% giá điện cho các cơ sở khám chữa bệnh có thực hiện khám, xét nghiệm và điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 và các khách sạn được sử dụng để cách ly.
Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ nếu được Chính phủ thông qua sẽ lên tới trên 10.000 tỉ đồng, trực tiếp tác động đến doanh thu của EVN. Việc giảm giá điện trong thời gian dịch bệnh kéo dài, phức tạp có ý nghĩa an sinh xã hội lớn, phần nào giúp các hộ gia đình bớt nỗi lo tăng chi phí.
Với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cho rằng, khoản tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp là gần 20.000 tỷ đồng, tương ứng với khoản giảm doanh thu lớn của EVN. Phương án giảm 50% giá điện giờ cao điểm cũng có thể dẫn đến việc không khuyến khích tiết kiệm điện và giờ cao điểm, trong khi hệ thống đang có nguy cơ thiếu công suất vào giờ cao điểm. Một nhược điểm nữa là trong số 1,6 triệu khách hàng là các hộ sản xuất thì có tới 1 triệu khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca trong giờ hành chính. Từ những phân tích trên, Bộ Công Thương nhận định nếu chỉ giảm giá vào giờ cao điểm, thì các doanh nghiệp nhỏ này cũng không được hưởng sự hỗ trợ của việc điều chỉnh này.