Bộ Luật Lao động năm 2019: Những điểm mới người lao động cần quan tâm

(VOH) - Ngày 1/1/2021, Bộ Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực. Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019.

Bộ luật có 17 chương với 220 điều, giảm 22 điều so với Bộ luật Lao động năm 2012.

Sau 24 năm, Bộ luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Lần sửa đổi này xuất phát từ thực tiễn thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập cần bổ sung, sửa đổi và để phù hợp với yêu cầu, từ việc thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu từ hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc thay đổi này sẽ ảnh hưởng nhiều đến quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Chính vì vậy, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ, doanh nghiệp và người lao động cần đặc biệt quan tâm.

Nhằm giúp người lao động, người sử dụng lao động hiểu những nội dung mới của Bộ luật Lao động năm 2019, Đài TNND TP HCM (VOH) tổ chức tọa đàm với chủ đề: Bộ Luật Lao động năm 2019 – Những điểm mới người lao động cần quan tâm”.

Tham dự buổi tọa đàm có các vị khách mời:

  • Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ chủ nhiệm Hội luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn Luật, Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Luật Lao động , người lao động, ngày 31 tháng 12 năm 2020
Luật sư Nguyễn Văn Hậu và ông Trần Văn Triều tham gia tọa đàm

* VOH: Thưa Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Bộ Luật lao động năm 2019 ra đời với những nguyên tắc cơ bản như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Khi sửa đổi và xây dựng Bộ Luật lao động 2019, những định hướng và nguyên tắc cơ bản là phải tuân thủ Hiến pháp năm 2013, phải tôn trọng và nội luật hóa những cam kết quốc tế về những nguyên tắc cũng như quyền cơ bản của người lao động, đáp ứng được tiến trình hội nhập cũng như phát triển kinh tế đất nước trong thời đại cách mạng 4G.

Đồng thời, phải đảm bảo hài hòa lợi ích các bên trong quan hệ lao động, tôn trọng trọng quyền thương lượng và thỏa thuận của các bên trong quan hệ lao động. Nhà nước sẽ giữ vai trò điều tiết, hỗ trợ cho các bên khi có yêu cầu.

Đổi mới cách tiếp cận bình đẳng giới, bao gồm các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, những chính sách đặc thù đối với lao động nữ; Tạo diễn đàn dân chủ để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý, đặc biệt là các ý kiến của người lao động, tổ chức người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức của người sử dụng lao động cũng như các chuyên gia và các cộng đồng xã hội.

* VOH: Khi Bộ Luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành thì hợp đồng lao động, các thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận hợp pháp đã giao kết rồi…có nội dung không trái Luật hoặc là đảm bảo cho người lao động có quyền và điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của Bộ Luật này sẽ được tiếp tục thực hiện, thưa ông Trần Văn Triều?

Ông Trần Văn Triều: Theo quy định của Bộ Luật lao động 2019 thì từ ngày Bộ Luật này có hiệu lực thì các hợp đồng lao động, các thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận khác có lợi cho người lao động hoặc không trái Luật tiếp tục thực hiện, trừ hai bên có thỏa thuận khác. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, những quy định nào trái với quy định của Bộ Luật lao động này thì hai bên phải tiến hành sửa đổi, thương lượng để thực hiện theo quy định mới.

* VOH: Mời Luật sư Nguyễn Văn Hậu có ý kiến thêm về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi cũng đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Văn Triều. Ngay tại khoảng 2 điều 220 của Bộ Luật lao động 2019 đã nêu rõ, kể từ ngày Bộ Luật này có hiệu lực thi hành, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, thỏa thuận hợp pháp đã giao kết, có nội dung không trái hoặc là bảo đảm cho người lao động có quyền và điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của Bộ Luật này thì được tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận sửa đổi, bổ sung để áp dụng quy định của Bộ Luật lao động này.

Để hướng dẫn điều này, Chính phủ đang dự thảo rất nhiều nghị định hướng dẫn thêm, để Luật đi vào cuộc sống ngay.

* VOH: Thưa ông Trần Văn Triều, dưới góc độ của tổ chức công đoàn, ông nhìn nhận Bộ Luật lao động năm 2019 này có những điều khoản nào người lao động cần đặc biệt quan tâm?

Ông Trần Văn Triều: Trong Bộ Luật lao động 2019 có hơn 200 điều sửa đổi, bổ sung, theo tôi có mấy điều người lao động cần đặc biệt quan tâm là:

Thứ nhất là: mở rộng đối tượng điều chỉnh, các đối tượng lao động tự do, hợp pháp cũng đã được điều chỉnh theo Bộ Luật lao động.

Thứ hai là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trong Bộ Luật lao động 2019 quy định quyền này rất cao đối với người lao động. Có 7 trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước thời gian. Ví dụ như: bố trí công việc không đúng theo quy định của hợp đồng, không trả lương đầy đủ đặc biệt là quy định nếu bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước.

Nhà nước không can thiệp vào việc trả lương của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng không cần gởi thang bảng lương cho nhà nước như trước kia nữa. Đây là thẩm quyền được giao cho người lao động và người sử dụng lao động để hai bên thương lượng ký kết hợp đồng lao động tiền lương.

Thứ ba là kỷ luật lao động. Trong quy định của Bộ Luật lao động 2019 có bổ sung thêm, những hành vi kỷ luật lao động phải ghi trong nội quy lao động, được ghi trong hợp đồng lao động hoặc các văn bản pháp luật khác.

Thứ tư là vấn đề tuổi nghỉ hưu. Đây là vấn đề được người lao động hỏi, thắc mắc, quan tâm nhiều nhất trong thời gian qua. Đến năm 2021 tuổi hưu sẽ tăng như sau: đối với nam sẽ tăng 3 tháng, nữ mỗi năm tăng 4 tháng, đến tầm năm 2028 tuổi hưu tối đa của nam sẽ được 62 tuổi, đến tầm năm 2035 tuổi hưu tối đa của nữ là 60 tuổi. Quá trình tăng tuổi hưu là có quá trình chứ không tăng đột ngột.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung thêm cơ chế tranh chấp là có cơ chế của hội đồng trọng tài. Hai bên có quyền tự lựa chọn hội đồng trọng tài để giải quyết tranh chấp.

* VOH: Thưa ông Trần Văn Triều, một quy định mới trong Bộ Luật lao động 2019 là người lao động có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động trong tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Ông có thể phân tích thêm những tác động của quy định đến hoạt động của tổ chức công đoàn ? 

Ông Trần Văn Triều: Đây là quy định rất mới trong Bộ Luật lao động, thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp. Tôi xin nhắc lại là chỉ tại doanh nghiệp thôi. Tổ chức này chỉ tham gia trong quan hệ lao động và chưa có một tiền lệ nào nên rất khó.

Tuy nhiên, theo nhận thức của tôi thì cơ bản, tổ chức này cũng không chi phối đến các hoạt động của tổ chức công đoàn. Vì tổ chức công đoàn bên cạnh chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động thì còn đảm nhiệm nhiều vị trí khác trong nhiệm vụ chính trị.

Thứ hai là về tổ chức, Công đoàn Việt Nam đã hình thành từ rất lâu và có hệ thống chặt chẽ từ Trung ương đến từng đơn vị cơ sở, trong khi đó theo quy định của Bộ Luật lao động, tổ chức đại diện người lao động chỉ được thành lập ở cấp cơ sở, nghĩa là tương đương với cấp công đoàn cơ sở của tổ chức công đoàn.

Một điều quan trọng nữa là sự ra đời của tổ chức đại diện người lao động khác vừa là thách thức vừa là cơ hội của tổ chức công đoàn, có sự cạnh tranh, so sánh, thúc đẩy đổi mới và nâng chất hoạt động, nâng tầm vị thế của tổ chức công đoàn, tổ chức công đoàn đang đứng trước cơ hội cũng cố lại uy tín, nâng tầm ảnh hưởng. Do đó, tổ chức công đoàn phải không ngừng đổi mới về nội dung, làm sao tập hợp được đông đảo người lao động của mình.

* VOH: Thưa luật sư Nguyễn Văn Hậu, để giúp người lao động cũng như người sử dụng lao động tận dụng được hết quyền và lợi ích từ Bộ Luật lao động năm 2019, luật sư có những nhắn gởi như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Trước hơn hết người lao động và người sử dụng lao động cần trang bị kiến thức về lao dộng để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo luật định. Những tranh chấp vừa qua, tôi cho rằng là do cả người lao động và người sử dụng lao động không hiểu đúng tin thần của pháp luật.

Người lao động được xem là chủ thể chịu tác động chính của Bộ Luật lần này, quyền con người và quyền bình đẳng trong quan hệ lao động sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban ngành đoàn thể, cần tổ chức triển khai Luật này, cần chuẩn bị nguồn lực phổ biến đến người lao động và cả người sử dụng lao động, đặc biệt là các cán bộ quản lý, làm công tác quản lý lao động để đẩy mạnh công tác tuyên truyền này và tập trung tuyên truyền những điểm mới mà doanh nghiệp thực hiện như: kỷ luật lao động, thời giờ nghỉ ngơi, thời giờ làm việc…chúng ta phải sửa lại thỏa ước lao động và nội quy lao động theo quy định mới này.

Các hòa giải viên, các báo cáo viên pháp luật, các cán bộ công đoàn khi có những hướng dẫn thi hành pháp luật, phải nắm bắt những thông tin này để ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công có thể xảy ra. Quá trình thực hiện nếu có những vướng mắc, phát sinh thì phải có báo cáo ngay để có hướng dẫn cụ thể, để hiểu rõ hơn tinh thần của Bộ Luật lao động mới lần này.

* VOH: Cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình.