Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bổ sung nhiều quy định 'thân thiện' khi xử lý vụ việc với người chưa thành niên

(VOH) - Sáng 13/12, UBTVQH cho ý kiến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Trình bày báo cáo thẩm tra về Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với Tòa án nhân dân tối cao và cho rằng, người chưa thành niên thuộc đối tượng yếu thế cần được pháp luật quan tâm, ưu tiên bảo vệ tại Tòa án. Tiếp tục kế thừa quy định về chỉ định Luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Bổ sung nhiều quy định 'thân thiện' khi xử lý vụ việc với người chưa thành niên 1
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Bổ sung một số quy định có tính chất thân thiện: Nguyên tắc giải quyết vụ việc đối với người chưa thành niên phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phải đảm bảo yêu cầu như: phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Bổ sung nhiều quy định 'thân thiện' khi xử lý vụ việc với người chưa thành niên 2
Toàn cảnh phiên họp.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của việc Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại phiên họp này.

Việc kịp thời sửa đổi toàn diện Pháp lệnh này đã góp phần thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương, xây dựng nền tư pháp ngày càng vững mạnh, chất lượng. Hồ sơ dự án Pháp lệnh đã được chuẩn bị đầy đủ, cụ thể, đảm bảo đúng quy định, đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Xem thêm: Phiên họp thứ 18 UBTVQH: Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi)

Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc vào ngày 13/12/2022 và bế mạc ngày 16/12/2022 tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội. 

Bình luận