Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, trong đó, Bộ đã bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tại dự thảo Luật giá sửa đổi, đồng thời với việc hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Chính phủ.
Dự án Luật giá sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, dự án Luật giá đang được triển khai theo đúng tiến độ của quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022) và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2023).
Xem thêm: Không tăng học phí năm học 2021-2022, kiểm soát giá sách giáo khoa
Theo quy định tại Luật giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định.
Khi đó, Nhà nước quy định mức trần giá sách giáo khoa trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí tiêu chuẩn bộ sách và đơn giá hiện hành để đảm bảo các nhà xuất bản vẫn bù đắp được chi phí, có lợi nhuận hợp lý và giá sách phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Hiện có 7 nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa (trong đó có NXB Giáo dục Việt Nam). Việc các nhà xuất bản kê khai giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.