Bộ Tài chính: Lạm phát năm nay dự báo tăng 3,9-4,8%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,1-0,2% so với tháng 2, nhưng tăng 3,4-3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân quý I, CPI ước tăng 4,2-4,3% so với cùng kỳ 2022.
Theo Bộ Tài chính, lạm phát tăng trong quý I chủ yếu do các nhóm hàng hóa dịch vụ chiếm trọng số chính trong rổ tính CPI xu hướng đi lên, chẳng hạn như giá vật liệu xây dựng, thực phẩm.
Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng giảm giá, như xăng dầu hạ 11%, gas hạ 1,8% hay nhóm bưu chính viễn thông hạ 0,3%, giúp CPI ba tháng đầu năm hạ nhiệt 0,03-0,4 điểm phần trăm.
Đọc thêm: Thủ tướng: Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2023
Bộ Tài chính nhìn nhận, áp lực tăng giá trong tháng 4, quý II trước những bất ổn tình hình quốc tế và nhiều hàng hóa thiết yếu trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thế giới.
Đưa ra dự báo lạm phát năm nay tăng 3,9-4,8% so với 2022, Bộ Tài chính cho biết, con số này dựa trên dự báo áp lực tăng và giảm giá mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hoá tính CPI như xăng dầu, lương thực, thực phẩm (gạo, thịt heo), giá điện sinh hoạt, vật liệu xây dựng, giáo dục, y tế và nhà ở thuê.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính cùng các bộ ngành rà soát, phân tích kỹ các tham số đầu vào - ra để hoàn thiện các kịch bản điều hành giá. Kịch bản điều hành phải bám sát chính sách tài khóa, tiền tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, phấn đấu đạt thấp hơn kế hoạch 4,5%.
Phó thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan theo dõi sát diễn biến kinh tế, lạm phát thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá, lạm phát trong nước và có biện pháp ứng phó phù hợp, đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu.