Bộ trưởng Công an: Tăng tương trợ tư pháp để dẫn độ và xử lý tội phạm lẩn trốn nước ngoài

HÀ NỘI - Ngày 26/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án…

Thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, qua báo cáo cho thấy tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2024 có diễn biến phức tạp hơn so với năm 2023.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh chỉ ra một trong những khó khăn lớn hiện nay trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng và chức vụ là một số đối tượng sau khi phạm tội đã trốn ra nước ngoài, khiến việc truy bắt các đối tượng này trở nên chưa hiệu quả.

Theo đại biểu, nguyên nhân một phần là do Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới chưa ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, gây cản trở trong việc phối hợp xử lý.

Tuy nhiên, vấn đề ký kết hiệp định tương trợ tư pháp cũng như cách thức thúc đẩy quá trình này lại chưa được báo cáo của Chính phủ làm rõ và cụ thể hóa.

Đại biểu cho rằng, Chính phủ chưa tiến hành tổng kết việc triển khai thực hiện các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các quốc gia khác.

ae0f1f8c7633cd6d9422-9484
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) - Ảnh: Quốc hội

Giải trình ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, lực lượng công an và các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã và đang tích cực tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy việc ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp liên quan đến chuyển giao và dẫn độ tội phạm.

Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm ý kiến là việc tội phạm trên không gian mạng, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng, cũng như việc xử lý đối tượng hiện đang trốn ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết lực lượng công an và các cơ quan thực thi pháp luật cũng đã có biện pháp tăng cường hợp tác quốc tế, ngăn ngừa và ký những hiệp định liên quan đến chuyển giao người phạm tội, dẫn độ tội phạm.

202411260813590525-z6069497029-9690-2140-1732602246
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang - Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh: "Căn cứ theo pháp luật từng nước, vừa qua chúng ta đã hợp tác bắt và dẫn độ tội phạm về nước. Trong đó có những nước chưa bao giờ thực hiện việc dẫn độ nhưng vẫn hợp tác với chúng ta để đưa tội phạm về nước.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ đàm phán và ký kết thêm các hiệp định song phương hoặc đa phương giữa các chính phủ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc dẫn độ và xử lý các đối tượng phạm tội lẩn trốn ở nước ngoài.

Về nguyên nhân tình hình tội phạm tăng lên, bộ trưởng Bộ Công an nêu do tình hình kinh tế, xã hội dù phục hồi mạnh mẽ nhưng về cơ bản còn nhiều khó khăn, thách thức.

Số lượng doanh nghiệp giải thể, hoạt động cầm chừng còn nhiều dẫn đến thiếu việc làm, xu hướng dịch chuyển cơ cấu việc làm từ thành thị về nông thôn, trong khi nhu cầu lao động ở địa phương hạn chế dẫn đến thừa lao động, nhất là trong độ tuổi thanh niên.

Nguyên nhân nữa theo ông Quang: "Do sự suy thoái đạo đức xã hội. Đây là hệ lụy tích tụ nhiều năm từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhất là do các tư tưởng, văn hóa ngoại lai không được kiểm soát chặt chẽ trên các nền tảng mạng xã hội”.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết thêm, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thật sự phát huy hiệu quả tối đa. Hình thức và đối tượng, thời điểm chưa phù hợp, dẫn tới có nhiều người vi phạm do thiếu hiểu biết, có người chưa hiểu tính nghiêm minh răn đe, thậm chí một bộ phận người dân có biểu hiện coi thường pháp luật, nhất là trong vi phạm an toàn giao thông đường bộ.

Bình luận