Quảng cáo trên mạng xã hội làm "nóng" nghị trường Quốc hội

VOH - Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi bị cấm quảng cáo trên môi trường mạng và quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm đối với hoạt động quảng cáo.

Góp ý về quảng cáo trên mạng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, Điều 23 sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên môi trường mạng, trong đó có quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng.

Dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin quy phạm pháp luật, tiếp nhận thông báo và gửi giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng.

Tuy nhiên, dự thảo chỉ mới xác định trách nhiệm tự gỡ bỏ của người quảng cáo, trách nhiệm cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khi đó chưa rõ các cơ quan chức năng có thẩm quyền là những cơ quan khác.

251120240309-z6067497635514_a168cb3a2107e4b95488eb13e875478c
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An - Ảnh: QH

Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng như báo cáo tổng kết cũng nêu.

Đại biểu nói: Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý, chúng ta không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng, thì chúng ta cũng không làm tốt, hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang bùng nổ phổ biến hiện nay, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra.

Đại biểu đề nghị sửa Luật Quảng cáo lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng và bổ sung điều hay thêm chương riêng về điều kiện, cách thức, trình tự rất rõ ràng, cụ thể về đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo lên mạng hoặc loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ không được phép quảng cáo lên không gian mạng hoặc những hành vi chia sẻ lên mạng không phải là quảng cáo mà như là quảng cáo.

251120240308-z6067497024530_310d76673385b2e43de10568b1f53d74
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: QH

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận quan tâm đến công tác quản lý của Nhà nước về những quảng cáo không đúng theo quy định.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, đại biểu yêu cầu trong dự án Luật cần quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm đối với hoạt động quảng cáo...

Theo biểu Chamaléa Thị Thủy, hiện nay, hoạt động quảng cáo hoặc những nội dung có thông điệp quảng cáo được đăng tải trên môi trường mạng theo dạng bài viết, video trên trang cá nhân như Facebook, Zalo, Tiktok rất đa dạng.

Có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được lan truyền trên không gian mạng một cách rộng rãi, công khai. Cơ quan chức năng cũng có các biện pháp để xử lý, ngăn chặn các hành vi quảng cáo không đúng với quy định.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác này trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nên trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này, đại biểu mong muốn các quy định được bổ sung phải đảm bảo được tính hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với quảng cáo.

Theo đại biểu, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ để quy định phù hợp, khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về quảng cáo. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ về quy định trình tự, thủ tục xác minh, xác định, kết luận các thông điệp mang tính quảng cáo và quy định, mức độ xử lý vi phạm cho tương xứng và phù hợp.

251120240243-z6067432199915_013cfc4c70ef9f821d5e3bb908dae574
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh - Ảnh: QH

Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ mong muốn việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Quảng cáo lần này quan tâm đến các quy định về quản lý và xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo…

Đại biểu cho biết, dự thảo Luật Quảng cáo 2012 chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống, chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến. Hiện nay, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định đồng bộ.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến vào trong dự thảo Luật. Theo đó, xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo…;

Đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo; thành lập cơ chế phối hợp liên ngành, hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để xử lý các vi phạm hiệu quả hơn.

Quan tâm đến việc kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ.

Đặc biệt, nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để răn đe…

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quảng cáo trực tuyến, đại biểu Thạch Phước Bình yêu cầu các quảng cáo phải ghi rõ thông tin sản phẩm, dịch vụ, đơn vị chịu trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ sau bán hàng.

Ban hành chế tài nghiêm khắc đối với việc sử dụng dữ liệu cá nhân khách hàng một cách trái phép; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân.

Bình luận