Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tham dự và chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, năm 2019, ngành tư pháp đã tập trung nguồn lực tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt, tham mưu tổng kết, sơ kết nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng, qua đó, xây dựng các luận cứ quan trọng để Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách pháp luật trong giai đoạn tới.
Trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã hoàn thành 125 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trả lời 124 kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp Quốc hội trong năm 2019; tiếp nhận, trả lời gần 800 kiến nghị, đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương và nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi qua Hệ thống theo dõi của Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp tăng 1 bậc, xếp thứ 3/18 bộ, ngành.
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2020, Bộ Tư pháp xác định rõ 10 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi hành án dân sự. Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc kinh tế, tham nhũng. Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018-2022”. Khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Chú trọng việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa và xử lý các vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư.