Bộ Y tế nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành dược

(VOH) – Là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế tiếp tục bám sát các Nghị quyết 20 (năm 2017), Nghị quyết 19 (năm 2022), Nghị quyết 36 ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị để rà soát, hoàn chỉnh Dự thảo Chiến lược, xác định rõ hướng đi, tận dụng cơ hội khi hội nhập, có cách tiếp cận để ngành dược Việt Nam từ trình độ trung bình hiện nay lên mức cao hơn và đi nhanh lên hiện đại.

Bộ Y tế nghiên cứu thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành dược 1
Ảnh minh họa: TTXVN

Phó Thủ tướng lưu ý cần đánh giá đầy đủ tiềm năng, thế mạnh và xác định rõ mục tiêu cho từng khâu, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả kinh tế và phù hợp với năng lực. Lưu ý lựa chọn những trọng tâm mà khi được tạo các điều kiện cần thiết thì phát triển có hiệu quả. Xác định rõ các tiêu chí về kinh tế, năng lực thực hiện để từ đó đề xuất, lựa chọn hướng đi, các hoạt động đầu tư.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung hoàn thiện thể chế, trong đó thực hiện hài hòa chính sách phù hợp thông lệ quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với lĩnh vực dược của Tổ chức Y tế Thế giới và của các quốc gia tiên tiến, thực hiện việc công nhận lẫn nhau nhằm chuẩn hóa quá trình sản xuất, phân phối.

Hợp tác quốc tế cần được xác định là giải pháp "mũi nhọn" tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để ngành dược Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị của các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới.

Nhà nước có vai trò dẫn dắt và có chính sách hỗ trợ để tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển, khuyến khích đầu tư tư nhân trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác với các đối tác chiến lược của Việt Nam.

Yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng phòng thí nghiệm chuyên ngành để phục vụ nghiên cứu phát triển thuốc, trong đó Nhà nước là chủ đạo và có cơ chế khuyến khích, ưu đãi phù hợp để các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu tham gia đầu tư.

Tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nuôi trồng dược liệu, trong đó chú trọng các hợp tác với các doanh nghiệp có công nghệ bào chế hiện đại.

Đánh giá đầy đủ, có giải pháp phù hợp đối với hoạt động phân phối, cung ứng và hạ tầng bảo quản thuốc trên tinh thần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xã hội hóa; xác định các dự án, nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung để thực hiện đến năm 2025 và kế hoạch thực hiện đến năm 2030.

Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành dược, có sự tham gia của các bộ, ngành và một số cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp lớn.

Bình luận