Theo Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, hiện nay, các đối tượng chính sách xã hội đã được Nhà nước mua thẻ BHYT (hỗ trợ 100%).
Những người thuộc hộ gia đình cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng; người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng.
Trường hợp tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ dần từ thành viên thứ hai trở đi (người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức đóng của người thứ nhất) khi tất cả thành viên hộ gia đình tham gia BHYT.
Luật BHYT hiện nay, chưa có hỗ trợ đóng BHYT cho người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố.
Để hỗ trợ cho các đối tượng này, Bộ Y tế đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 75 sửa đổi Nghị định 146 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Nghị định quy định UBND tỉnh, thành phố căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác trình HĐND tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định.
Theo Bộ Y tế, năm 2009 chỉ 58% dân số có BHYT, tuy nhiên tới năm 2023 tỷ lệ bao phủ đã đạt 93,35% dân số, tương ứng với 93,307 triệu người tham gia BHYT.
Số lượt người có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Tính tới ngày 31/12/2023, có 174,8 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với số tiền chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.