Chờ...

Các tỉnh miền Trung gấp rút lên phương án ứng phó bão số 4

ĐÀ NẴNG - Các tỉnh dọc dải đất miền Trung đang chủ động chuẩn bị nhiều phương án ứng phó khi bão đổ bộ.

Đà Nẵng

Phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) là tâm điểm ngập của Đà Nẵng. Để ứng phó đợt mưa lớn, từ mấy ngày qua các con kênh đã được nạo khơi dòng. Chính quyền cũng yêu cầu người dân tháo dỡ khẩn cấp nhà bao che, công trình lấn chiếm lên đường thoát nước.

Tại vùng trũng thấp, chính quyền các phường tại Đà Nẵng bố trí máy xúc, người ứng trực vớt rác thông đường thoát nước.

Trưa 18/9, nhiều dân quân tự vệ, lực lượng phòng chống bão lụt có mặt trên thành cầu nối hai bên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam) để thông dòng các tảng cây lục bình trôi dạt từ thượng nguồn.

Đặc biệt đường Mẹ Suốt, các khu dân cư ở dọc kênh Đa Cô là điểm ngập nặng nhất tại thành phố Đà Nẵng. Từ sáng 18/9, lực lượng địa phương huy động nhiều máy xúc vớt rác bám dưới sàn cầu tránh bị dồn ứ không thoát được nước khi mưa lớn.

Ảnh màn hình 2024-09-19 lúc 09.17.54
Hướng đi của bão số 4 sáng nay - Ảnh: TTKTTVQG

Quảng Nam

Tại Quảng Nam, ngư dân đang gấp rút đưa tàu thuyền vào bờ, dùng dây thừng cột giữ thuyền và thu dọn ngư cụ.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, các tàu cá hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa đã vào tránh trú an toàn. Các hồ chứa thủy lợi và các công trình đê kè trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo.

Ghi nhận ở những khách sạn, nhà hàng ven biển Tam Thanh người dân cũng chủ động cắt tỉa cành cây để tránh bị mưa bão quật đổ.

Đặc biệt xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, nơi đã từng trải qua thảm họa sạt lở, lũ quét sau bão số 9 năm 2020 khiến nhiều người chết, mất tích, nhà cửa bị vùi lấp, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó.

Toàn xã có 10 điểm nguy cơ sạt lở, nếu tình hình mưa bão phức tạp, người dân sẽ được di dời sơ tán đến những nơi an toàn như nhà văn hóa, trường học, các nhà dân kiên cố.

Quảng Bình

Từ 0 giờ ngày 19/9, UBND tỉnh Quảng Bình phát lệnh cấm biển cho đến khi thời tiết an toàn trở lại. Bên cạnh đó, biên phòng tỉnh đang khẩn cấp kêu gọi tàu thuyền vào bờ.

Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có tổng số 7.313 tàu thuyền đang khai thác hải sản trên biển. Phần lớn tập trung ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, một số khai thác ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa, cùng một số tàu thuyền nhỏ khai thác gần bờ.

Đến chiều 18/9, 7.262 tàu thuyền của tỉnh vào nơi neo đậu, còn 51 tàu thuyền đang trên đường đi tránh trú.

tranh-bao-2-685
Tàu thuyền neo đậu tránh bão số 4 - Ảnh: TTXVN 

Thừa Thiên Huế

Sáng 19/9, Thừa Thiên Huế xảy ra mưa to đến rất to, nhiều nơi, nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố Huế như Hoàng Lanh, Nguyễn Lộ Trạch, Võ Nguyên Giáp… bị ngập úng cục bộ, có nơi nước ngập khoảng 50cm. Nhiều người dân lo ngại ô tô bị ngập nước nên đã hối hả đưa xe đến chỗ cao hơn.

Cũng trong chiều 18/9, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành họp bàn công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự kiến mạnh lên thành bão. Đến chiều cùng ngày, toàn bộ tàu thuyền trên biển của tỉnh cơ bản đã vào đến nơi tránh trú an toàn.

Thừa Thiên Huế có khoảng 50 điểm dễ xảy ra sạt lở đất do mưa bão gây ra. Tỉnh đã lên kịch bản di dời hơn 3.000 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Quảng Ngãi

Ngày 18/9, Quảng Ngãi mưa liên tục, theo dự báo Quảng Ngãi sẽ hứng chịu đợt mưa trên diện rộng những ngày tới. Trước tình hình này, ông Nguyễn Hoàng Giang - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cùng các sở, ngành, địa phương đã đi kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở cao ở các huyện miền núi.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương chủ động đánh giá thực trạng, phương án di dời dân khi có mưa lớn kéo dài. "Không được lơ là, chủ quan.

Song song đó, Quảng Ngãi cũng đang tập trung lực lượng khẩn trương xử lý các điểm ngập, khơi thông đảm bảo thoát nước hiệu quả khi mưa lớn kéo dài. Công tác cắt tỉa cây xanh cũng đang được triển khai khắp nơi. Những cây có tán rộng, nguy cơ ngã cao được xử lý triệt để.