Đây là số liệu sơ bộ được Ban quản lý dự án đường sắt gửi Bộ Giao thông vận tải về kết quả khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.
Sau khi Ban quản lý dự án đường sắt làm việc với 6 tỉnh, thành phố có dự án đi qua: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ để nghiên cứu phương án, đã thống nhất việc đầu tư đường sắt TPHCM - Cần Thơ là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai.
Đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững giao thông vận tải, tái cấu trúc đô thị và phân bổ dân cư trên hành lang TPHCM - Cần Thơ…
Theo nghiên cứu sơ bộ, Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài 174,42km, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435mm với 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa...
Đường sắt TPHCM - Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách và đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến.
Tốc độ thiết kế lớn nhất để chạy tàu là 190km/h, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190km/h, tàu hàng khai thác tốc độ dưới 120km/h.
Tổng mức đầu tư dự án đường sắt TPHCM - Cần Thơ dự kiến 213.948 tỉ đồng (khoảng 9,07 tỉ USD).
Xem thêm: Đại biểu Quốc hội: Phải có cơ chế ứng phó khẩn cấp với những vấn đề chưa có tiền lệ
Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, đã cùng tư vấn khẩn trương làm việc với các địa phương về thống nhất phương án tuyến, vị trí ga.
Tuy nhiên đến nay, đơn vị này chưa nhận được ý kiến chính thức của UBND TPHCM, Bình Dương và Tiền Giang để hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Bộ Giao thông vận tải.