Theo nghị định 67/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 178/2024/NĐ-CP về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong sắp xếp tổ chức bộ máy, có một bộ phận viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc sửa đổi này mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp, đặc biệt là những viên chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Việc này sẽ hỗ trợ khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình tinh gọn bộ máy nhà nước. Dự kiến, nguồn chi cho trợ cấp thất nghiệp sẽ được chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với số dư hơn 63.000 tỷ đồng tính đến tháng 1/2025.
Thủ tục đơn giản và quyền lợi hỗ trợ tốt hơn
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến về giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho phép người lao động có thể thực hiện thủ tục tại bất kỳ cơ quan bảo hiểm xã hội gần nhất, không còn phải phụ thuộc vào địa giới hành chính. Điều này giúp giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi tiếp cận các quyền lợi bảo hiểm.

Mức trợ cấp thất nghiệp 2025
Một điểm đáng chú ý khác là mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Theo quy định mới, mức trợ cấp sẽ bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở.
Mức trợ cấp tối đa đối với người lao động làm theo chế độ tiền lương Nhà nước sẽ là 11,7 triệu đồng/tháng (tương đương 5 lần mức lương cơ sở hiện nay là 2,34 triệu đồng/tháng).
Đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp với mức lương do doanh nghiệp quyết định, trợ cấp thất nghiệp sẽ được tính theo mức lương tối thiểu vùng:
Người lao động làm tại vùng 1 = 5 x 4,96 triệu đồng = 24,8 triệu đồng/tháng.
Người lao động làm tại vùng 2 = 5 x 4,4 triệu đồng = 22,05 triệu đồng/tháng.
Người lao động làm tại vùng 3 = 5 x 3,86 triệu đồng = 19,3 triệu đồng/tháng.
Người lao động làm tại vùng 4 = 5 x 3,45 triệu đồng = 17,25 triệu đồng/tháng.
Người lao động khi hưởng trợ cấp thất nghiệp còn được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, giúp họ tiếp tục nhận được sự chăm sóc sức khỏe trong thời gian khó khăn.
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, tìm việc làm mới trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Với những thay đổi tích cực này, Nghị định 67/2025 không chỉ giúp cải thiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho viên chức và người lao động mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội.