Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chính sách nào được coi là 'cú đấm thép' của Nhà nước cho cơ giới hóa, chế biến nông sản?

(VOH) - Hội nghị trực tuyến có quy mô toàn quốc với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố và các công ty, tập đoàn lớn trong nông nghiệp

Tại Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp diễn ra sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: “Nhà nước cần tập trung vào chính sách nào được coi là 'cú đấm thép' của Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản tốt hơn nữa”.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hội nghị trực tuyến có quy mô toàn quốc với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố và các công ty, tập đoàn lớn trong nông nghiệp, vì vậy, “phải bàn vấn đề thiết thực vì sao chưa làm tốt cơ giới hóa, vì sao có địa phương làm tốt, có địa phương chưa làm được": “Vướng mắc chưa làm tốt khâu cơ giới hóa nông nghiệp là gì? Lý do vì sao? Lần này, nhà nước phải tập trung những chính sách nào mà gọi là “cú đấm thép” của nhà nước, quyết định của nhà nước để tháo gỡ, làm tốt cơ giới hóa…”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN

Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), ngành nông nghiệp phải cơ cấu lại dựa vào thị trường theo hai hướng, một là sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cơ giới hoá, tổ chức sản xuất với sản lượng, chất lượng ổn định và phân phối ở các thị trường lớn: “Hiện nay khi chúng tôi nghiên cứu và tìm hiểu ở các địa phương thì các địa phương rất quan tâm về công tác chế biến, nhưng chúng ta quên rằng việc xuất tươi là giá trị nhất. Quá trình nghiên cứu, tôi thấy các nhà máy ở Tây Ninh, Long An, họ làm nhà máy chế biến nhưng thực chất mang nông sản vào đó lựa để rồi xuất tươi, chứ còn chế biến rất ít”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản VASEP nhận định hiện nay ngành nông nghiệp vẫn thiếu một người nhạc trưởng trong tạo ra mối liên kết sản xuất nông nghiệp, chịu trách nhiệm với nền kinh tế, xã hội. “Kiến nghị của chúng tôi với Bộ Nông nghiệp và các bộ ngành liên quan đó là vấn đề về chính sách tích tụ đất đai để tạo tiền đề cho các trang trại lớn và sản xuất lớn. Việc này thì chúng tôi có theo dõi và hiểu rằng đã có chủ trương cũng như sự quan tâm của Chính phủ, của các bộ, nhưng chúng tôi muốn rằng đó chính là cái nút thắt để tạo ra ngành gọi là ngành sản xuất hàng hóa”, ông Nam phát biểu.

Lúa gạo một trong những ngành hàng chế biến chủ lực. Hiện cả nước có khoảng 580 cơ sở xay xát gạo quy mô công nghiệp, trong đó số cơ sở có công suất trên 10.000 tấn thóc/năm chiếm khoảng 61,5%. Tổng công suất kho chứa bảo quản lúa gạo đạt 7 triệu tấn. Tổng sản lượng chế biến công nghiệp đạt 13,5 triệu tấn quy gạo, chiếm khoảng 55 - 60% sản lượng chế biến. Bàn về vấn đề thương hiệu gạo, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời nêu thực tế: “Phải nhìn nhận rằng thương hiệu gạo của Việt Nam chưa có, chưa đúng như tầm vóc gạo Việt Nam như bây giờ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có một nguyên nhân cực kỳ quan trọng: Đó là các đơn vị có tiềm năng, có khả năng, có khát vọng muốn tham gia xây dựng thương hiệu gạo. Có nghĩa là các công ty này đang hợp tác thực sự với nông dân để xây dựng, để sản xuất lúa gạo theo chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững, có được chứng nhận đàng hoàng, nhưng chưa đưa hoặc rất khó đưa vào hệ thống kênh phân phối truyền thống của mình, đó chính là hộ gia đình và hộ kinh doanh cá thể”.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy: Về phát triển cơ giới hóa nông nghiệp: Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/ha canh tác. Trong 5 năm gần đây, do nhu cầu sản xuất, lưu thông và xuất khẩu, logistics Việt Nam đã phát triển nhanh chóng 14 - 16%/năm, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, với giá trị 40 - 42 tỷ đô la Mỹ/năm.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, ngành nông nghiệp phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. “Chúng ta tin tưởng có những tập đoàn lớn vào cuộc cùng bà con nông dân, cùng ngành nông nghiệp thì việc tái cơ cấu và phấn đấu mục tiêu đến năm 2030 như mong muốn của Thủ tướng là chúng ta đứng top thứ 10 hoàn toàn có cơ sở thực tế nếu chúng ta có khát vọng như hiện nay và tình hình triển khai như hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bình luận