Cá nhân, doanh nghiệp tham gia mạng xã hội cần tự trang bị những kiến thức cần thiết, hiểu biết pháp luật để không rơi vào bẫy… Đây là một trong những nội dung được Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an TPHCM chia sẻ tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố, do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố phối hợp với Sở Thông tin truyền thông tổ chức vừa qua.
Qua công tác đấu tranh, triệt phá các vụ án liên quan đến công nghệ cao, cơ quan chức năng nhận định: Mặc dù đây là loại hình tội phạm mới nhưng diễn biến ngày càng phức tạp, trong đó nổi lên chủ yếu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không còn đơn thuần là những chiêu trò lừa đảo truyền thống, lừa đảo trên mạng xã hội đã tiến hóa thành những hình thức, chiêu trò tinh vi, ẩn mình dưới lớp vỏ công nghệ.
Các đối tượng lừa đảo ngày nay thường sử dụng những công cụ, phần mềm ẩn danh, trí tuệ nhân tạo (AI) hay thậm chí thay đổi địa chỉ IP, đặt máy chủ ở nước ngoài để che giấu tung tích, tạo dựng những danh tính giả mạo, những câu chuyện cảm xúc, hay những cơ hội đầu tư "trong mơ" để đánh lừa nạn nhân. Khi đã đạt được mục đích, chúng nhanh chóng xóa sạch dấu vết, thậm chí hủy các thiết bị lưu trữ dữ liệu gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh xử lý của các cơ quan chức năng.
Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TPHCM cho biết, chủ động trong công tác phòng chống tội phạm mạng, thời gian qua, Công an thành phố đã phối hợp với các bộ, ban, ngành có những giải pháp rất quyết liệt, đồng bộ như: đưa hệ thống xác thực sinh trắc học đối với những chuyển khoản trên mười triệu để xác minh chính chủ, hạn chế được tội phạm liên quan đến giải mã độc tấn công, chiếm quyền điều hành điện thoại của nạn nhân, sau đó tự động chuyển số tiền lớn đi… những vụ việc chiếm đoạt tài sản qua mạng với số tiền lớn cũng giảm tương đối đáng kể.
Ngoài ra, Ngành công an cũng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, ngành Viễn thông và các nhà mạng viễn thông triển khai hệ thống xác thực các sim chính chủ, hạn chế sim rác. Sắp tới, một số nhà mạng cũng sẽ phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông và ngành Công an để triển khai giải pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa các đối tượng lợi dụng hệ thống viễn thông, sim rác… để tiến hành cuộc gọi lừa đảo; triển khai ứng dụng an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Trong đó, đưa vào các cảnh báo về tội phạm mạng, tội phạm lừa đảo công nghệ cao trên các ứng dụng điện thoại cho cư dân thành phố, nâng cao cảnh báo các nguy cơ làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn anh ninh mạng trên địa bàn thành phố.
Để phòng chống tội phạm mạng, mỗi người dân, doanh nghiệp cần nắm vững và tuân thủ quy định khi sử dụng internet, mạng xã hội; có kỹ năng an toàn để hạn chế tối đa những rủi ro. Cùng với đó, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện “4 không”: không sợ (không mất bình tĩnh khi nhận được điện thoại, tin nhắn từ người lạ), không tham (không tham tài sản, quà, phần thưởng không rõ nguồn gốc, không “dính bẫy” trước những lời mời chào “việc nhẹ - lương cao”), không kết bạn với người lạ (không bắt chuyện, không tham gia nhóm đầu tư tài chính), không chuyển tiền (khi nhận được yêu cầu của người lạ hoặc chưa xác định đúng là người thân, người quen).
Cùng với đó, mỗi người dân cần thực hiện “2 phải”: phải bảo mật thông tin (hình ảnh, thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội), phải tố giác ngay (khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn nghi ngờ là giả mạo, lừa đảo hoặc không có cơ sở, phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý).