Chờ...

Chủ tịch UBND Thành phố kiểm tra thực tế dự án ngăn triều chống ngập

(VOH) - Sau nhiều lần lỗi hẹn vì không có mặt bằng thi công, nhà đầu tư cam kết dự án chống ngập - tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng sẽ hoàn thành vào tháng 10/2020.

Ngày 23/5, đoàn lãnh đạo UBND thành phố đi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1.

Sau khi kiểm tra hiện trường tại cống ngăn triều Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, các đoạn đê, kè,... Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi làm việc với nhà đầu tư và các quận, huyện để cập nhật tiến độ và đồng thời tháo gỡ các vướng mắc.

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi làm việc với nhà đầu tư và các quận, huyện.

Công trình trải dài trên 4 quận và 2 huyện, có quy mô vốn gần 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án đã triển khai 77% khối lượng thi công, thiết bị xi lanh nhập từ Đức đã về Việt Nam, riêng phần máy bơm sẽ được nhập về trong khoảng 6 tuần tới để tiến hành lắp ráp; đang chuẩn bị xây dựng nhà điều hành, đào tạo cán bộ vận hành dự án. Tổng giá trị thực hiện dự án là 6.000/9.500 tỷ đồng, tương đương 67% tổng mức đầu tư dự án. Giá trị giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng đạt hơn 200 tỷ đồng.

Đoàn công tác của UBND thành phố kiểm tra các hạng mục thi công phần nổi đang được nhà đầu tư lắp ráp.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group chia sẻ: "Toàn bộ dự án ngăn triều cái chính là, tất cả các công trình khó khăn nhất, là công trình dưới nước đã xong, nên việc thi công sẽ dễ dàng và đẩy nhanh tiến độ, giai đoạn sau cùng này chủ yếu là lắp đặt thiết bị. Hiện nay, vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng hầu như đã giải quyết xong. Thành phố cam kết đến ngày 10/6 giao mặt bằng cho chúng tôi thì chúng tôi cũng sẽ quyết liệt làm xong tháng 10 đưa vào khánh thành, xem như là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh"

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group báo cáo tiến độ dự án

Tuy nhiên, dự án còn gặp một số khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Cụ thể như: cống ngăn triều Tân Thuận, phía Quận 4 còn vướng một hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, ở cống Mương Chuối, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè còn 18 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Cùng với đó, trong quá trình thi công tại huyện Nhà Bè xuất hiện việc thi công không phép công trình của Công ty Xăng dầu Hàng không miền Nam khi xây dựng chồng lấn lên tuyến đê kè 2 của Trung Nam Group.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết thêm: "Vấn đề liên quan đến Công ty cổ phần cảng Xăng dầu Hàng không miền Nam còn vướng mắc liên quan đến việc phối hợp. Bởi họ đã có bản phê duyệt từ Cục Hàng Hải, thuộc Bộ Giao thông vận tải. Huyện Nhà Bè cũng đã xuống kiểm tra thì phát hiện đây là công trình không có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, lại được phê duyệt dự án đầu tư. Huyện đã tập hợp đủ hồ sơ và sẽ trình cho Sở Xây dựng Thành phố xem xét thêm. Về pháp lý cầu cảng này, dùng để cập các tàu chở dầu cho xăng dầu hàng không"

Cống ngăn triều Mương Chuối thuộc dự án cơ bản hoàn thành.

Công trường cống Tân Thuận 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các quận huyện nơi dự án đi qua chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng cần khẩn trương việc giải toả, bàn giao mặt bằng theo hướng ưu tiện vận động, thuyết phục rồi mới tiến hành cưỡng chế. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đánh giá: "Hôm nay đi kiểm tra thấy rất phấn khởi. Nhưng mà, cũng còn lại một số việc ở địa phương thì lãnh đạo địa phương cùng với nhà đầu tư  khẩn trương để công trình đưa vào vận hành đầu tháng 10. Riêng về vấn đề liên quan đến Công ty Xăng dầu Hàng không miền Nam thì không thể chấp nhận như thế được, phải lập biên bản và xử lý nghiêm. Tôi đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với huyện Nhà Bè giải quyết vấn đề và báo cáo Thành phố trước ngày 5/6, nếu thấy cần thiết phải cấp Thành phố giải quyết nữa thì Thành phố sẽ có trách nhiệm"

Mục tiêu của Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 là: kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Công trình sau khi hoàn thành giúp thành phố chủ động điều tiết mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực."