Chờ...

Dự án chống ngập chậm tiến độ, chưa hiệu quả: Cần chỉ ra trách nhiệm cụ thể

(VOH) - Đa số các dự án bị chậm tiến độ, một số mục tiêu như giải quyết các tuyến ngập do mưa, triều;... sẽ khó có thể đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Mặc dù so sánh với mục tiêu nhiệm vụ của kế hoạch đã đề ra, các cơ quan, ban ngành và đơn vị liên quan đã thực hiện được một khối lượng lớn công việc, hoàn thành giải quyết tuyến ngập do mưa, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về xây dựng kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP. Đó là đánh giá của đa số đại biểu HĐND TP tại buổi làm việc chiều 12/7 xung quanh kết quả giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP, nằm trong chương trình kỳ họp thứ 15, HĐND TP khóa IX. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan (trái) và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan (trái) và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ảnh: PLO

Theo báo cáo của HĐND TP, đa số các dự án bị chậm tiến độ, một số mục tiêu như: giải quyết các tuyến ngập do mưa; giải quyết các tuyến ngập do triều; xây dựng cải tạo các nhà máy xử lý nước thải và các hạng mục dự án chống ngập do triều khó có thể đảm bảo theo kế hoạch đề ra là hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020.

Về hiệu quả triển khai: đối với các dự án đang thực hiện, nhiều dự án còn gặp vướng mắc về bố trí vốn, chuyển đổi nguồn vốn, vướng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, vướng trong xác định pháp lý đất đai dẫn đến việc điều chỉnh phương án thiết, điều chỉnh dự án nên hiệu quả triển khai bị hạn chế, thời gian thực hiện kéo dài, chậm tiến độ, tạo ra các ảnh hưởng về kinh tế, xã hội đối với dự án và khu vực lân cận.

Đại biểu Nguyễn Văn Đạt đề nghị, trong khi chờ đợi hoàn thành các dự án lớn, trước tiên nên tiến hành rà soát hơn 2.900 kênh, rạch trên địa bàn TP để nạo vét khơi thông, đặc biệt cân nhắc phân về cho quận, huyện quản lý: "Thời gian qua, TP đã phân cấp về cho một số quận, huyện quản lý kênh rạch. Tôi đề nghị thời gian tới, TP tiếp tục phân cấp về cho quận huyện quản lý kênh rạch, và giao trách nhiệm cho quận huyện thường xuyên duy tu, nạo vét, vớt rác để làm sao khơi thông dòng chảy. Trong khi chờ đợi các dự án chống ngập hoàn thành thì TP cần quan tâm và quyết liệt hơn trong xử lý tình trạng lấn chiếm kênh, rạch ở các địa phương và có giải pháp cụ thể để thời gian tới, việc chống ngập trên địa bàn TP đạt kết quả tốt nhất".

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm băn khoăn, việc giám sát cơ bản đáp ứng yêu cầu của HĐND, chỉ ra được hạn chế, tồn tại nhưng chưa chỉ ra được trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị, địa phương khi để xảy ra hạn chế, tồn tại: "Vấn đề này nói nhiều năm, nhưng tiếc là chúng ta chưa chỉ ra được tại sao tồn tại nhiều năm như thế. Vẫn là tình trạng lấn chiếm, vẫn là chưa giải quyết dứt điểm. Khi đi giám sát, chúng ta phải chỉ ra được nguyên nhân như vậy, tồn tại như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai? Có như vậy mới khắc phục được. Việc dây dưa kéo dài chính là vì chúng ta không trực diện chỉ ra được trách nhiệm của cơ quan nào. Tôi nghĩ rằng không nên tiếp tục né tránh như vậy nữa".

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cho rằng, cử tri TP rất kỳ vọng vào các công trình, dự án giảm ngập nước. Tuy nhiên thực tế chất lượng công trình chưa tương xứng với ngân sách đã đầu tư. Do đó, cần phải đánh giá lại những vướng mắc giữa các hệ thống cống, kênh, rạch tiêu thoát nước giữa các quận, huyện, phường, xã: "Chúng ta cần đánh giá lại việc quản lý sông rạch trên địa bàn dân cư hiện nay có những khó khăn gì, vướng mắc gì trong sự phối hợp liên tịch giữa các quận, các phường để đảm bảo hệ thống kênh rạch đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước, cùng với hệ thống cống cấp 1, cấp 2. Đây là vấn đề chúng ta nghĩ lãnh đạo TP cần tập trung quan tâm trong thời gian tới. Vấn đề khơi thông, tôi cũng đồng ý kiến với đại biểu Nguyễn Văn Đạt là phân cấp về cho địa phương để làm nhanh, làm khẩn cấp".

Báo cáo với đại biểu dự kỳ họp, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP cho biết trong vài năm gần đây, TP liên tục xuất hiện nhiều cơn mưa có vũ lượng lớn, kết hợp triều cường dẫn đến hệ thống thoát nước hoạt động không hiệu quả gây ngập cục bộ. Trong công tác quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, cùng với ý thức bảo vệ hệ thống thoát nước của một bộ phân dân cư tại một số nơi chưa cao nên làm giảm khả năng thoát nước, ảnh hưởng đến công tác chống ngập.

Theo ông Hoan, hiện nay vấn đề khó nhất là nguồn vốn. Yêu cầu đặt ra đến 2020 là hơn 96 ngàn tỷ, nhưng ngân sách TP chỉ đáp ứng được hơn 6 ngàn tỉ, do đó phải xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế.

Xung quanh vấn đề đảm bảo hài hòa lợi ích giữa việc chống ngập và cuộc sống của người dân, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhấn mạnh: "Xoay quanh cốt nền, hiện cốt nền TP đã có, nhưng phủ bình quân trên địa bàn TP như vậy là chưa ổn. Cho nên chúng ta phải nương vào tự nhiên, để từ đó xây dựng cốt nền đảm bảo làm sao khi thực hiện dự án không ảnh hưởng đến nhà của người dân. Theo cách làm cũ, ta nâng nền lên còn nhà thì mặc kệ, không quan tâm đến. Cái đó là không đúng. Cho nên tinh thần chung của Thành ủy, UBND TP là việc làm đường, chống ngập phải đạt được nhiều mục tiêu. Trong đó mục tiêu thứ nhất là chống ngập đường, mục tiêu thứ hai là không làm ngập nhà".

Ông Phạm Đức Hải – Phó Chủ tịch HĐND TP khẳng định, thường trực HĐND TP sẽ làm rõ hơn trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong làm chậm tiến độ và hiệu quả dự án; làm rõ hiệu quả đầu tư của các công trình, dự án; yêu cầu UBND TP báo cáo đầy đủ hơn về nguồn lực đầu tư thời gian qua và thời gian tới có những giải pháp như thế nào. Kết thúc buổi thảo luận, 93/103 đại biểu (chiếm tỉ lệ 90,3%) đã thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TPHCM.