Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Hoàng Quân cho biết, từ năm 2021 đến nay, TPHCM chỉ có 2 dự án bất động sản là đủ điều kiện để xem xét cho chuyển nhượng và 1 dự án được chấp thuận cho chuyển nhượng, điều này ảnh hưởng đến việc phát triển của thị trường bất động sản.
Việc chuyển nhượng dự án là một trong những biện pháp để giải quyết những khó khăn cho các dự án, góp phần khôi phục lại các dự án đã ngưng thi công kéo dài, cũng như hoàn thiện công trình, đưa sản phẩm vào thị trường.
Lãnh đạo Sở Xây dựng TP nhận định nguồn cung của các phân khúc nhà ở tăng, giảm không đều. Một số dự án có hình thức là hợp đồng đặt cọc giữ chỗ đăng ký theo pháp luật, tuy nhiên về dân sự thì diễn biến khá phức tạp.
Có trường hợp là chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc giữ chỗ của khách, nhưng không triển khai được dự án, gây rủi ro cho người mua căn hộ.
Trong năm 2023, TPHCM đặt mục tiêu phát triển 36 triệu m2 sàn xây dựng. Để đạt con số này, ông Quân đề xuất cần giải quyết các thủ tục về đầu tư xây dựng, đặc biệt là công tác quy hoạch, bố trí dân số cũng như chủ trương đầu tư và việc tính tiền sử dụng đất của các dự án.
Kiến nghị Thành phố tiếp tục rà soát các dự án bất động sản chậm tiến độ để có hướng dẫn, đề xuất, thực hiện việc tính tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận cho các dự án mà hiện nay còn tồn đọng; hoàn tất các thủ tục về quy hoạch, trong đó, khung pháp lý lớn nhất hiện nay là đang điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố.
Theo Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch, điểm nghẽn hiện nay của thị trường bất động sản là hấp thụ vốn và tâm lý thị trường không tốt. Thị trường bất động sản chững lại là đối với các "ông lớn", các dự án mà phục vụ cho giới đầu cơ.
Còn thị trường nhà ở, ông Trần Du Lịch khẳng định là không đứng, vấn đề là có đưa dự án, sản phẩm được ra thị trường hay không vì nghẽn thủ tục.
Xem thêm: Chủ tịch UBND TPHCM: Đừng say sưa với tình hình tốt, rồi trở tay không kịp
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Chính phủ đã thành lập tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng rà soát, tháo gỡ. Sở Xây dựng TP cùng các sở, ngành rà soát lại những việc giải quyết đúng thẩm quyền và đúng thời gian. Phải báo cáo UBND, thành lập danh sách những điểm nghẽn để tập trung tháo gỡ. Những việc gì mà không giúp được, không đúng... thì trả lời ngay, đừng dây dưa. Từ đây đến cuối năm và năm sau chúng ta phải hết sức tập trung, từng sở, ngành phải giải quyết những tồn đọng”.