Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những dấu ấn với TPHCM. Kỳ 2: “xé rào” cứu đói-đường dẫn mở cửa kinh tế

(VOH) - Những năm sau 1975, đời sống người dân chật vật, kinh tế bao cấp trói buộc, Ông đã đưa ra những quyết sách “táo bạo” vì dân vì nước.
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022), Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện Tọa đàm chủ đề “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những dấu ấn với TPHCM”.
Khách mời:
- Bà Phạm Phương Thảo, Nguyên Phó Bí thư Thành ủy - Nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố;
- PGS.TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TPHCM;
- Tiến sĩ Thân Ngọc Anh, Trưởng khoa Triết học - Học viện Chính trị Khu vực 2.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những dấu ấn với TPHCM. Kỳ 2: “xé rào” cứu đói-đường dẫn mở cửa kinh tế 1
Các vị khách mời tham gia tọa đàm “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những dấu ấn với TPHCM” - Ảnh: Ngọc Bích


*VOH: Có thể thấy những người sống và làm việc ở TPHCM nhiều năm vẫn thường hay gọi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bằng những biệt danh rất thân thương, gần gũi: “Chủ tịch gạo”, hay “Tướng xé rào”… Ý nghĩa của những tên gọi đó xuất phát từ đâu?

Bà Phạm Phương ThảoNhững năm mới giải phóng, có lúc ông là Chủ tịch Thành phố vừa là Bí thư Thành ủy. Ông cũng được mệnh danh là “Chủ tịch gạo”, “Tướng xé rào” vì lúc bấy giờ tình hình rất khó khăn trong cả sản xuất kinh doanh, trong cả lưu thông hàng hóa.

Đồng chí Võ Văn Kiệt tìm mọi cách để giải quyết nhanh vấn đề lương thực thiếu đói của người dân thành phố. Kiểu “Mua như giựt bán như cho” không còn phù hợp. Không phải không có gạo mà do cơ chế quản lý, gạo về thành phố không được.

Để giải quyết vấn đề này, Đồng chí Võ Văn Kiệt mời giám đốc ngân hàng, người phụ trách lương thực thành phố, Sở Tài chánh, Sở Giao thông vận tải, để cùng ngồi lại giải quyết.

Công ty lương thực thì xuống đồng bằng sông Cửu Long mua lúa theo giá thị trường. Việc làm này không theo qui định bởi Ủy ban vật giá chỉ cho phép mua theo giá nhà nước. Do vậy, Ủy ban vật giá kiện với Trung ương cho rằng ông Kiệt “phá rào”.

Sau khi nghe đồng chí Võ Văn Kiệt trình bày thuyết phục, Tổng Bí thư Lê Duẩn rất ủng hộ chủ trương này. Sau đó, giá thu mua lương thực của cả nước nhờ đó được điều chỉnh gần với giá cả thực của nó.

*VOHBấy giờ, TPHCM và cả nước gặp nhiều khó khăn, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đã quyết định, tham mưu Trung ương những chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút tiền của, chất xám trong và ngoài nước, bãi bỏ hạn chế về gửi tiền, hàng của kiều bào, mở rộng xuất nhập khẩu hàng hóa… Những quyết định đó có ý nghĩa gì?

Bà Phạm Phương Thảo: Những quyết sách của đồng chí Võ Văn Kiệt đã thu hút nguồn lực bên trong và bên ngoài, phát huy thế mạnh của thành phố về sản xuất, kinh doanh.

Trong điều kiện còn bị bao vây, cấm vận, những chính sách của đồng chí Võ Văn Kiệt đã thu hút không chỉ tiền bạc, vốn liếng mà nhất là thu hút con người. Đồng chí qui tụ, tạo điều kiện cho nhiều người giỏi ở lại đất nước có thể phát huy tài năng của mình.

Tạo điều kiện cho người có mối quan hệ làm ăn với nước ngoài trước đây tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu để có thể đổi hàng lấy ngoại tệ, đổi hàng nông sản lấy nguyên vật liệu công nghiệp để cứu lấy sản xuất công nghiệp của thành phố.

Tôi nghĩ, việc đồng chí qui tập được lực lượng trên các lĩnh vực đã tạo nên sức sống xã hội năng động. Đồng chí Võ Văn Kiệt không chỉ phát huy thế mạnh của thành phố mà của cả vùng, cả nước, tìm mọi cách để tổ chức lại sản xuất, thực hiện kế hoạch 3 phần.

Đó là một phần do pháp lệnh Trung ương giao; một phần sản xuất phụ theo sự liên doanh liên kết; một phần ngoài sản phẩm chính - tức là doanh nghiệp đó tự tìm kiếm những nhiên vật liệu để sản xuất cho thị trường, làm thế nào để nhà máy được phát huy hết công suất mà người lao động có thêm thu nhập.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những dấu ấn với TPHCM. Kỳ 2: “xé rào” cứu đói-đường dẫn mở cửa kinh tế 2
Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương, dâng hoa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Nghĩa trang TPHCM sáng 22/11. Ảnh: SGGP

TS Thân Ngọc Anh:  Theo tôi, những ý tưởng của cố Thủ tướng rất táo bạo, đột phá trong thời điểm bao cấp lúc đó, bởi các lý do sau:

- Thứ nhất, cố Thủ tướng đã nhìn thấy những bất hợp lý trong chính sách kinh tế, đó là mệnh lệnh, hành chính, áp đặt, tự cung, tự cấp.

- Thứ hai, tìm được nút thắt, đưa ra được giải pháp rất kịp thời, hiệu quả, mở đường, thí điểm cho tư duy kinh tế gắn với thị trường sau này.

- Thứ ba, dám chịu trách nhiệm với những tham mưu, những quyết định, quyết sách kinh tế của mình, thể hiện tinh thần dũng cảm, vì cái đúng, vì lợi ích của nhân dân.

*VOH: Với những gì cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm cho thấy ông là người có sức thu phục nhân tâm lớn, tư duy sát thực tiễn, biết lắng nghe các chuyên gia giỏi, truyền cảm hứng sáng tạo... Ý kiến các vị khách mời?

PGS Hà Minh Hồng: Tôi rất đồng tình với nhận định này. Ở thời điểm đó, sự xuất hiện những người như ông Võ Văn Kiệt, ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc, ông Chín Cần ở Long An… những con người, những quyết sách, tầm vóc đó, đất nước cần biết bao nhiêu những con người như vậy.

Đó là sự dũng cảm, dám làm - dám chịu, tiên phong khám phá sáng tạo. Khi ông Võ Văn Kiệt thực hiện những chính sách đột phá, TPHCM không đơn độc, nhiều địa phương, nhiều người cùng thực hiện đột phá sáng tạo.

Sau đó Trung ương cũng như các địa phương cùng góp sức cho ông. Ông là người đi đầu nhưng không phải là người đơn độc.

Bà Phạm Phương Thảo: Những năm 1980, cả nước rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Điều đó cho thấy vai trò của đồng chí Võ Văn Kiệt rất lớn để tìm cách vượt qua khó khăn đó.

Ông đi sâu tìm kiếm những vấn đề mới, điển hình tiên tiến từ cơ sở. Tìm cách liên kết với các tỉnh, tìm cách tổ chức lại sản xuất, tìm cách trả lương mới, để điều kiện sống của người lao động, của công nhân được nâng lên.

Trên các lĩnh vực, ông cũng đã tập hợp được các tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ. Ông tổ chức các cuộc lắng nghe, có khi ông nghe trực tiếp, có khi ông ngồi sau tấm màn chắn để người góp ý không ngại, để người góp ý nói thẳng sự thật.

Tôi thấy ông Võ Văn Kiệt là người có sức chịu đựng khi lắng nghe. Ông đúng là người lãnh đạo truyền cảm hứng. Ông đã làm cho các nghệ sĩ rất hăng say đóng góp. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn sáng tác bài “Một đời người một rừng cây” cũng là nói lên hình ảnh đồng chí Võ Văn Kiệt.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những dấu ấn với TPHCM - Kỳ 2 3
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (bên phải), nhà văn Nguyễn Quang Sáng (bên trái) - Ảnh tư liệu gia đình Trịnh Công Sơn

TS Thân Ngọc Anh: Theo tôi, nhận định này là rất đúng bởi vì:

- Thứ nhất, cán bộ, đảng viên, người dân cả nước, kể cả trước đây và bây giờ đều khâm phục trí tuệ, đạo đức, những đóng góp to lớn của cố Thủ tướng. Khi Cố Thủ tướng mất có rất nhiều người dân vượt hàng trăm, hàng ngàn km để đến viếng và tiễn Ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

- Thứ hai, những quyết sách của Cố Thủ tướng đã làm cho nhân dân thành phố vượt qua nạn đói của những năm sau giải phóng, nhiều công trình từ thời Cố Thủ tướng đến nay vẫn phát huy giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Thứ ba, Cố Thủ tướng luôn biết lắng nghe, khai thác, phát huy cao độ trí tuệ, sức lực của nhân dân cho tháo gỡ khó khăn, phát triển đất nước, bao gồm cả kiều bào ở nước ngoài.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những dấu ấn với TPHCM - Kỳ 2 4
Khai mạc Triển lãm "Dấu ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt" tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
- Ảnh: Cát An

*Mời đón xem tiếp kỳ cuối của Toạ đàm.