Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 – 23/11/2022), Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện Tọa đàm chủ đề “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những dấu ấn với TPHCM”.
Khách mời:
- Bà Phạm Phương Thảo, Nguyên Phó Bí thư Thành ủy - Nguyên Chủ tịch HĐND Thành phố;
- PGS.TS Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TPHCM;
- Tiến sĩ Thân Ngọc Anh, Trưởng khoa Triết học - Học viện Chính trị Khu vực 2.
*VOH: Thưa bà Phạm Phương Thảo - từng là cán bộ của TPHCM trong giai đoạn sau giải phóng - điều gì làm bà ấn tượng nhất về vai trò của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những thời điểm khó khăn của thành phố?
Bà Phạm Phương Thảo: Bối cảnh khó khăn chồng chất của thời hậu chiến như bị bao vây cấm vận, chiến tranh hai đầu biên giới, cơ chế quan liêu bao cấp - khó khăn cả bên ngoài và bên trong. Ấn tượng về đồng chí Võ Văn Kiệt là người dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Ông rất sâu sát với cơ sở, tìm cách lắng nghe, tháo gỡ khó khăn. Ông động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, nhất là động viên thanh niên xung kích trong các phong trào cách mạng.
Những công trình tháo gỡ bom mìn, khai hoang, phục hóa, mở ra các đại công trường của thanh niên; thành lập lực lượng Thanh niên xung phong, huy động hàng vạn người để thực hiện công trình lên rừng xuống biển.
Đồng chí Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo rất tin dân và được dân tin. Trong khó khăn, vẫn có phong trào, vẫn có khí thế, niềm tin của dân vào ông đã giúp vượt qua khó khăn trong những năm đầu giải phóng.
*VOH: Thưa PGS Hà Minh Hồng, trong quá trình nghiên cứu lịch sử của mình, xin ông nói rõ thêm về những quyết định mang tính đột phá của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt?
PGS.TS Hà Minh Hồng: Trước khi làm Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt đã là người chịu trách nhiệm rất lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh (có 3,5 triệu dân) - trong những năm sau giải phóng và những năm trước đổi mới - là một trong những nơi thu hút sự chú ý của nhân dân trong nước và nước ngoài.
Trong nhiều quyết sách của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt tôi muốn nói đến quyết sách "xé rào", xé rào để cứu đói !
Đây là quyết định thiết thực ban đầu, vì cả nước ta bị đói từ cuối thập niên 70. Và quyết sách đó không chỉ thiết thực với người dân Thành phố mà với tất cả tỉnh thành, với người dân cả nước.
Quyết định "xé rào cứu đói" này mang tính đột phá. Bởi vì “đói” ở đây không phải đói cơm đói gạo mà doanh nghiệp cũng “đói nguyên vật liệu”, nhà kinh doanh “đói vốn”… Tất cả những guồng máy hoạt động sản xuất của cả hoạt động kinh tế, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đều “đói”.
Đột phá ở đây mang tính mở đường, với quyết định này cần người dám làm dám chịu trách nhiệm như Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt.
Đột phá như quyết sách lịch sử, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lịch sử.
*VOH: Ngược dòng lịch sử về những năm 1960-1970, khi đó trong vai trò Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo sát sao việc xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang ngay trong nội thành, phát triển các lực lượng cốt cán, tổ chức các phong trào đấu tranh của các giới đồng bào… Ý kiến bà Phạm Phương Thảo?
Bà Phạm Phương Thảo: Khi đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận nhiệm vụ Bí thư Trung ương Cục thì đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư Đảng bộ Thành phố này.
Ông là nhà lãnh đạo rất sâu sát với thực tiễn. Lúc bấy giờ tình hình rất khó khăn, những năm 1960-1961, đồng chí Võ Văn Kiệt đã lấy Gia Định làm bàn đạp để thâm nhập vào Sài Gòn-Chợ Lớn và đề xuất sáp nhập tình Gia Định vào chung Sài Gòn-Chợ Lớn thành khu Sài Gòn-Gia Định. Tôi thấy đây là đề xuất rất lớn, tầm cỡ để tạo địa bàn lớn, xây dựng lực lượng.
Lúc bấy giờ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã hoạt động từ Củ Chi ra vào Thành phố, có lúc ở nội thành để bám sát và chỉ đạo sát sao với tình hình thực tế của Thành phố. Giai đoạn những năm 1960-1970, việc xây dựng lực lượng chính trị vũ trang, kể cả biệt động-lực lượng đặc công để tác chiến cho hiệu quả rất rõ.
Các phong trào của công nhân, người lao động, của học sinh sinh viên, của tầng lớp trí thức, tôn giáo rất mạnh mẽ. Điều đó cho thấy tạo nên phong trào rộng lớn, thế trận rộng lớn, giữa phong trào nội thị ven đô, nông thôn của Đông Nam bộ, của Tây Nam bộ. Qua đó tạo được vành đai đỏ làm bàn đạp tiến công vào hoạt động trong nội thành.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã chuẩn bị rất tốt, vì địa bàn này là nơi tập kết để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 và là nơi tập kết để 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn 1975.
*VOH: Thưa Tiến sĩ Thân Ngọc Anh, quá trình nghiên cứu tài liệu, các bài viết để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, ông ấn tượng gì khi nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt?
TS Thân Ngọc Anh: Đối với cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, có rất nhiều điều ấn tượng về ông, kể cả trước giải phóng và sau giải phóng thống nhất đất nước. Ấn tượng nhất là tính sâu sát thực tế, dám nghĩ-dám làm-dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân cho cái mới.
Đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp rất lớn cho những công trình, dự án: Xây dựng nhà máy Thủy điện Trị An; công trình thủy lợi đào kênh T5 đưa nước lũ thoát ra biển Tây; khai phá Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên, ngọt hóa bán đảo Cà Mau; công trình đường dây tải điện 500KV Bắc-Nam; đường Bắc Thăng Long-Nội Bài; đường Hồ Chí Minh; Nhà máy lọc dầu Dung Quất và phát triển ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, xây dựng các khu công nghệ cao Hòa Lạc; công viên phần mềm Quang Trung; các đại học Quốc gia, các khu công nghệ cao, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam...
Công trình đường dây 500KV Bắc-Nam là chủ trương có nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí khi đưa ra Quốc hội, có ý kiến cho rằng trên thế giới không có nước nào làm đường dây điện kéo dài hơn 1.000km cả. Nhưng cố thủ tướng vẫn bảo vệ quan điểm, quyết tâm làm. Đến nay, công trình này đã đem lại dấu ấn, hiệu quả nổi bật, tạo đà phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho đất nước.
Khi thôi giữ trọng trách Thủ tướng Chính phủ, ông vẫn đau đáu nỗi lo cho dân, cho nước, vẫn theo dõi sát tình hình, thường xuyên đóng góp ý kiến rất bổ ích với các cơ quan Đảng và Nhà nước về nhiều vấn đề trọng đại của đất nước.
*Mời đón xem tiếp kỳ 2 Toạ đàm.