Chờ...

Cơn sốt Pokemon Go của giới trẻ Sài Gòn

(VOH) - Mới xuất hiện ở Việt Nam chưa đầy 1 tuần, trò chơi Pokemon Go đã lập tức trở thành một trào lưu cực hot, nhất là ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Theo ghi nhận của chúng tôi, tại những nơi công cộng, trong các công sở, trên đường phố… đi đến đâu cũng có thể bắt gặp những người đang say sưa chơi Pokemon Go.

Pokemon Go chỉ mới chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam ngày 6/8.

Chơi game mọi lúc mọi nơi

Pokemon Go được cộng đồng game thủ trên toàn thế giới mong chờ trong suốt gần 2 năm qua. Sau một thời gian dài chuẩn bị, game hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. Điểm thú vị của Pokemon Go đó là game này xây dựng một lối chơi xóa dần ranh giới giữa thế giới thực và ảo.

Theo đó, game thủ chỉ cần một chiếc smartphone chạy iOS và Android có kết nối mạng (Wifi/3G/4G), GPS và Camera đã có thể tìm kiếm và săn bắt các loại Pokemon. Với sự trợ giúp của công cụ Google Map mang đến sự chính xác gần như tuyệt đối tại địa điểm mà người chơi sử dụng. Do đó, trò chơi mới này nhanh chóng trở thành hiện tượng game với số lượng người tham gia “khủng”.

Chia sẻ của một số người chơi Pokemon Go:

"Bản thân tôi cảm thấy khá là thú vị, đáp được nhu cầu giải trí của tôi cũng như là của giới trẻ hiện nay. Tạo ra một ứng dụng trò chơi mới";

 

"Mình cảm thấy trò chơi Pokemon Go có tính tương tác cao, khá mới mẻ và thú vị. Hiện giờ rất là sốt, hầu như ai cũng chơi, tập trung tại những nơi có nhiều pokemon, lúc nào cũng đông người vì vậy mình rất phấn khích";

 

"Mình thấy game Pokemon Go rất mới mẻ khi dùng công nghệ thực tế ảo. Lần đầu tiên mình tiếp xúc với game này thì mình rất hào hứng, chơi cũng thấy rất vui".

 

Vừa lái xe tham gia giao thông vừa chăm chú vào màn hình điện thoại để chơi dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: TTO

Nhiều rủi ro

Tuy nhiên, đã có những câu chuyện "dở khóc, dở cười" cho việc bắt Pokemon Go ở Việt Nam cũng được nhiều bạn trẻ chia sẻ trên mạng. Để bắt được những chú Pokemon "độc", người chơi phải vào sâu trong những tòa nhà, nơi giữ xe của một đơn vị nào đó để bắt mà "quên" đi việc xin phép để nhận những hậu quả đáng tiếc. Cũng đã có một số người chơi Pokemon Go bị cướp điện thoại, tai nạn giao thông.

Chị Trần Thị Hà, nhân viên văn phòng nói: "Vì tính chất của trò Pokemon Go là phải cần có sự di chuyển ra ngoài đường cho nên nhiều khi đem lại nguy hiểm cho mình. Bởi vì, mình phải dán mắt vào điện thoại cho nên không quan sát được phía trước có những nguy hiểm, nhiều khi là cướp giật, là tai nạn giao thông. Hơn nữa, trò chơi có gắn định vị GPS nên thông tin vị trí của mình không được bảo mật, mất an toàn. Còn về nguy hiểm hay không là do người chơi. Nếu chơi lành mạnh và có ý thức thì chắc không mang lại nguy hiểm".

Theo ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Tập đoàn Công nghệ BKAV cho biết, các chuyên gia của BKAV đã phân tích một số ứng dụng Pokemon Go giả mạo. Kết quả là đã tìm thấy mã độc có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị Android của người dùng. Như vậy, về mặt kỹ thuật, từ tập hợp các vị trí và hình ảnh xung quanh những vị trí đó, nhà sản xuất game có thể dựng lại thông tin bản đồ, địa hình thực tế chính xác từ những người chơi.

Dữ liệu thu được nếu bị dùng vào mục đích xấu sẽ biến Pokemon Go trở thành một phần mềm gián điệp nguy hiểm. Đây chính là lý do nhiều quốc gia e ngại vấn đề an ninh khi những thông tin này bị sử dụng với mục đích xấu.

Thêm vào đó, để chơi Pokemon Go, người dùng phải truy cập vào tài khoản Gmail của mình và liên tục kết nối với hệ thống máy chủ. Tức là ứng dụng này có tính năng thu thập thông tin, dữ liệu, điều này có thể dẫn đến nguy cơ cao bị tấn công vào tài khoản, dẫn đến bị lộ, lọt thông tin cá nhân. Thực tế hiện nay ở một số quốc gia như: Indonesia, Ả Rập Saudi, Nga, Hàn Quốc,... đều cho rằng Pokemon Go – Trò chơi trên ứng dụng di động dựa trên vị trí của người chơi đang trở nên phổ biến trên toàn cầu, là “một mối đe dọa quốc gia” khi có thể cho phép những lực lượng thù địch tiếp cận những dữ liệu tối mật, thâm nhập những vấn đề nhạy cảm của chính phủ cũng như vị trí của những địa điểm quân sự.

Trò chơi có thể gây ra những hậu quả “không thể cứu vãn được” khi người chơi tiếp tục check vào những địa điểm như các tòa nhà và địa điểm lịch sử. Và đó chính là vấn đề mà một số nước đang hạn chế trò chơi này.

Vai trò cơ quan quản lý

Còn về mặt xã hội, theo ông Nguyễn Tuấn Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, một trong những đơn vị đã từng tổ chức các lớp cai nghiện game online rất thành công cảnh báo: Chơi game này rất nguy hiểm, ngoài việc gây nghiện còn mất an toàn về mặt giao thông.

Ông nói: "Tâm trí các em lúc nào cũng chỉ để vào trong việc chơi game mà lãng quên tất cả công việc khác, các cơ quan quản lý cũng nên có biện pháp đối với loại hình trò chơi này để làm sao không phát hành, hạn chế đưa ra trò chơi này. Phía trường học cũng phải cảnh báo các em trong những nội dung này để bản thân các em nhận thức được trò chơi này gây nguy hiểm cho bản thân các em và cho những người xung quanh".

Là trò chơi ảo nhưng gắn liền với định vị ngoài đời thực khiến Pokemon Go lập nhiều kỷ lục trên các kho ứng dụng từ khi ra mắt đến nay. Có thể nói Pokemon Go là một game tích cực, giúp người chơi có thể thư giãn sau giờ làm việc hay những ngày cuối tuần vui vẻ. Họ có thể vận động được tay chân và rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, người chơi phải biết điểm dừng, cảnh giác để không vướng vào những hiểm họa khôn lường khi đang say sưa bắt Pokemon.