Phát biểu tại Hội trường về Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị tiếp tục rà soát giải thích từ ngữ, đảm bảo thống nhất với Luật Quốc phòng.
Đối với khái niệm thảm họa được quy định trong dự thảo Luật, đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm và nội hàm của thảm họa,cần chia giai đoạn, phân loại thảm họa để có quy định phù hợp về phương pháp ứng phó.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo tính khả thi của dự án luật. Đại biểu chỉ ra rằng, Điều 45, Điều 46 có quy định về chế độ chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự, tuy nhiên lực lượng này đa dạng, chế độ chính sách được quy định trong nhiều văn bản khác nhau. Do đó, cần làm rõ chế độ chính sách với những người làm ở Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự và một số lực lượng cụ thể áp dụng theo quy định cụ thể nào.
Góp ý về lực lượng phòng thủ dân sự quy định tại Điều 38 của dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cân nhắc bổ sung lực lượng dự bị động viên vào lực lượng nòng cốt phòng thủ dân sự vì lực lượng này đã được huấn luyện nhiều kỹ năng trong thời gian tại ngũ và tại các địa phương hiện nay đang quản lý theo quy định của lực lượng dự bị động viên. Cần làm rõ thế nào là trường hợp khẩn cấp và có được hiểu như quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp không?
Tại Khoản 5 Điều 23 cũng quy định trong trường hợp khẩn cấp, Chủ tịch UBND các cấp nơi xảy ra thảm họa, sự cố đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Đại biểu cho rằng cần làm rõ phạm vi đề nghị như thế nào, thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đến đâu là phù hợp để đảm bảo không trái với quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu cần làm rõ khái niệm tình trạng khẩn cấp trong dự thảo luật là hết sức cần thiết và nội hàm tình trạng khẩn cấp trong dự thảo luật thống nhất với các văn bản hiện hành.