Dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, chú sáu Khải

(VOH) - Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà lãnh đạo tài ba, với tư duy vượt trước thời đại, dám nghĩ, biết làm, dám chịu trách nhiệm.

Với sự quan tâm hết lòng cho cuộc sống của Nhân dân, Ông là một người con ưu tú của dân tộc, của Nam bộ, Sài Gòn - Gia Định - thành phố Hồ Chí Minh, là người mà ai từng có cơ hội tiếp xúc đều có những ấn tượng khó phai mờ. Bài viết của nhà báo Hữu Quan, nhan đề “Dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, chú sáu Khải”.

Tôi là nhà báo ở VOH được phân công bám mảng chính trị, nên có dịp thường xuyên tháp tùng công tác cùng đồng chí Phan văn Khải mà cánh phóng viên trẻ chúng tôi lúc đó có thói quen gọi là “Chú Sáu”.

Là Chủ tịch UBND TPHCM thứ tư sau các Chủ tịch tiền nhiệm là Võ Văn Kiệt, Vũ Đình Liệu và Mai Chí Thọ, đồng chí Phan Văn Khải, Chú sáu Khải đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP từ năm 1985 đến 1989 rồi ra Trung ương nhận trọng trách mới.

Trước đó từ năm 1979 đến năm 1984 chú Sáu đảm nhiệm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố. Khách quan mà nhận xét trong hơn 40 năm TPHCM xây dựng và phát triển, Chú sáu Khải đã gắn bó 14 năm tại đây. Đó là giai đoạn TPHCM sau giải phóng, đi vào xây dựng, tái thiết, trải nghiệm tiên phong về cải cách, đổi mới, thậm chí cả những "xé rào" và thời kỳ công tác tại đây trở thành thực tiễn quý giá trước khi chú ra Trung ương công tác trong Chính phủ những năm đầu thời kỳ đổi mới. Đó cũng là những năm tháng mà chú và các vị lãnh đạo Thành ủy đã hiệu triệu giai cấp công nhân, nhân dân lao động, viên chức nhà nước phải "tự cứu lấy mình" với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm" nhằm thoát khỏi sự trói buộc của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, duy ý chí, tìm ra biện pháp xác đáng giải quyết vấn đề kinh tế xã hội phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Phan Văn Khải

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại buổi lễ Trao tặng huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Ảnh: TTXVN

Đồng chí Phan Văn Khải cùng Đảng bộ TPHCM đã tìm tòi, phát hiện ra được mô hình mới cải tạo XHCN gắn liền với việc tổ chức lại sản xuất, việc thực hiện các đòn bẩy kinh tế như 3 lợi ích, các quan hệ hàng hóa, tiền tệ, mua bán theo giá thị trường, mở ra một sức mạnh thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, hàng hóa ngày càng dồi dào, xác định cơ cấu kinh tế hợp lý tổ chức lại sản xuất liên kết giữa công nghiệp, nông nghiệp, sản xuất và lưu thông, liên kết các thành phần kinh tế của các khu vực.

Nhìn lại những bước đi đầy táo bạo, nhưng cũng đầy hiệu quả, Chú sáu Khải nhắc lại lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi đó là thời kỳ "tháo gỡ, cởi trói" TPHCM cùng các tỉnh ở miền Nam đóng góp rất quan trọng để có Đại hội VI - Đại hội của đổi mới. Đó là đóng góp to lớn của TPHCM trong 10 năm đầu đường lối đổi mới cho cả nước.

Lúc đương chức ở TPHCM hay sau này đảm nhận nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, năm nào cũng vậy cứ Mùng 4 Tết là Chú sáu Khải về dự họp mặt truyền thống Chiến khu An Phú Đông. Chú mong muốn phát triển vùng đất lịch sử này trở thành một mô hình kiểu mẫu trong phát triển kinh tế-xã hội, trở thành một đô thị mới, ngày càng văn minh, hiện đại.

Chú Sáu ôn lại những năm tháng không thể nào quên về truyền thống hào hùng oanh liệt của Chiến khu An Phú Đông với những tấm lòng trung kiên, quả cảm của chiến sĩ, đồng bào đã xả thân ngăn cản bước tiến của quân thù, sẵn sàng hi sinh tính mạng, tài sản của mình để bảo vệ chiến khu, bảo vệ cán bộ.

Cách đây gần 15 năm khi làm việc với TPHCM, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ ra, TPHCM nếu không chuyển dịch cơ cấu kinh tế đi vào hướng sản phẩm có chất xám, hàm lượng công nghệ, tri thức cao thì không làm tròn vai trò đối với cả nước.

Lúc đó tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh thi công chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến dân sinh. Thủ tướng đã phê phán “TPHCM làm công trình nào cũng chậm, cầu Tân An, Long An làm được, TP thì nhiều dự án cầu không làm được. Có một hầm chui Văn Thánh bé tí xíu mà sập lên sập xuống”.

Thủ tướng bình luận: “Trình độ đâu có đến nỗi kém như vậy mà do cách làm, do tiêu cực. Cứ nói hoài những khuyết điểm ấy mà chẳng khắc phục được”. Khi nghe lãnh đạo TP giải trình về cải cách hành chính ở TP, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nghiêm khắc nói: “Cải cách mấy chục năm nay dân vẫn kêu trời. Rất nhiều người không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không ai bị loại ra khỏi bộ máy”.

Với cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải là người kế tục sự đổi mới hiệu quả của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bà Phạm Chi Lan, thành viên tổ nghiên cứu của Thủ tướng Phan văn Khải nói: “Tôi đánh giá cao phương pháp làm việc rất chuyên nghiệp của  ông và đặc biệt là sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia. Trong những người làm chuyên gia cố vấn như chúng tôi thời kỳ đó thì việc ủng hộ nhũng ý kiến tốt sẽ rất dễ, nhưng để "can" được thủ trưởng của mình bỏ đi những ý định sắp làm có thể xảy ra rủi ro là rất khó. Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ của mình, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã rất lắng nghe ý kiến của cố vấn chuyên gia, cho thấy ông là người rất cầu thị”.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người am hiểu chuyên môn sâu sắc, được đào tạo cơ bản. Ông là người vừa có cả kinh nghiệm thực tiễn và vừa có lý luận sâu sắc. Nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người rất cải cách và ủng hộ công cuộc hội nhập. Đặc biệt, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người ủng hộ và thực hiện Luật doanh nghiệp năm 1999, một sự đột phá cho phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Thủ tướng để lại 3 dấu ấn sâu sắc. Dấu ấn thứ nhất không chỉ những người làm việc trực tiếp với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ghi nhận mà trong nghiên cứu 30 năm đổi mới của Việt Nam cũng đánh giá, "nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là nhiệm kỳ tăng trưởng kinh tế Việt Nam vừa cao và ổn định nhất”. Nhìn vào bảng thống kê cũng thấy rõ, lạm phát được kiềm chế thấp, nợ công và bội chi ngân sách ở mức cho phép, không bao giờ vượt quá 50%. Nguyên Thủ tướng luôn luôn chú trọng tới vấn đề nợ công.

Thứ hai, ấn tượng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải để lại về phát triển doanh nghiệp cũng rất rõ. Đây là thời kỳ chúng ta có 2 luật doanh nghiệp rất tốt làm nền tảng cho phát triển doanh nghiệp sau này. Đó là Luật Doanh nghiệp năm 1999, trao quyền tự do kinh doanh cho người dân và là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thống nhất được đưa ra để tạo mội trường bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước cùng hoạt động trên một nền tảng pháp lý như nhau. 

Thứ ba trong thời kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải chính là sự hội nhập của Việt Nam cũng được đẩy lên cao với việc hoàn tất đàm phán với Hoa Kỳ về Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ.

Hay khi chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tại Hội nghị Chính phủ tổ chức tại TPHCM sáng 27/12/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo xóa bỏ rào cản để gia nhập WTO. Thủ tướng chỉ đạo cần thảo luận về trách nhiệm của ngành tài chính, các bộ, ngành và địa phương trong những vi phạm về thu chi ngân sách. Phải tạo chuyển biến mạnh trong đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý đất đai.

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, cần tìm giải pháp để khắc phục chất lượng giáo dục, giảm tình trạng quá tải và tiêu cực trong khám chữa bệnh, khắc phục biến động giá thuốc. Các vấn đề về môi trường, văn minh đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội… cũng đã được Thủ tướng đặt ra để các địa phương tiếp tục thực hiện. Thủ tướng yêu cầu các địa phương chú trọng giải quyết những vấn đề cấp bách trong chương trình cải cách hành chính trên các lĩnh vực thể chế, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức và cải cách tài chính công gắn với sửa đổi, hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách tiền lương.

Chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải đã gần 15 năm, nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Xin nhắc lại những ký ức, ấn tượng về hoạt động của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, của Chú sáu Khải như nén hương lòng với bao niềm thương tiếc đến với Chú sáu Khải. Xin kính cẩn nghiên mình trước vong linh chú.

Xem thêm: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - người đặt nền móng cho những quyết sách quan trọng

Bình luận