Theo đó, TPHCM sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật xóa bỏ định kiến về giới, về quyền của phụ nữ và trẻ em một cách sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm để cha mẹ/người nuôi dưỡng trẻ, gia đình, cộng đồng dân cư và trẻ em hiểu đúng, nhận thức đủ quyền của mình để mạnh dạn lên tiếng khi bị xâm hại và biết cách phòng, ngừa tội phạm xâm hại trẻ em.
Ảnh minh họa: Văn phòng UBND TPHCM
Quy định rõ trách nhiệm truyền thông, nâng cao năng lực về các vấn đề trẻ em của từng ngành, lĩnh vực; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân trong việc phòng ngừa xâm hại trẻ em; nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và quản lý chặt chẽ số lượng thanh thiếu niên chậm tiến, có tiền án, tiền sự, các băng nhóm trên địa bàn là những đối tượng có nguy cơ phạm tội xâm hại tình dục.
Trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến xâm hại trẻ em, Tòa án cần chú trọng việc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật và tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm về xâm hại trẻ em, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ trẻ em...
Mặt khác, TP cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có chính sách thu hút nhân viên công tác xã hội làm việc trong các trường học (bao gồm cả cơ sở mầm non) và tại địa bàn dân cư nhằm tăng cường nguồn nhân lực kết nối, giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em.
Bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn về các tội liên quan đến xâm hại tình dục, đặc biệt là đối với người dưới 16 tuổi; ban hành các quy trình xử lý, thu thập chứng cứ đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; đề xuất việc thiết lập các đơn vị cảnh sát chuyên biệt về bảo vệ trẻ em; tiếp tục phổ biến tới các tổ chức phúc lợi xã hội, cá nhân, cộng đồng, tòa án, cơ quan hành chính, cơ quan luật pháp về các thủ tục, tiêu chuẩn xác định lợi ích tốt nhất của trẻ em trong mỗi lĩnh vực.
Ngoài ra, các Bộ, ngành cũng cần quy định đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì Chủ tịch UBND cấp xã, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế; Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định việc chăm sóc thay thế đối với trường hợp trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em...