Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp thông minh tại khu vực ASEAN

(VOH) - Ngày 25/7, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị Quốc tế ngành công nghiệp thông minh ASEAN – Trung Quốc 2019.

Hội nghị Quốc tế ngành công nghiệp thông minh ASEAN – Trung Quốc 2019 do Trung tâm ASEAN – Trung Quốc, Ủy ban hợp tác chung ASEAN – Trung Quốc và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Theo các chuyên gia, các ngành công nghiệp thông minh đang có xu hướng phát triển ngày càng tăng trên thế giới và trở thành động lực cho sự phát triển toàn cầu. Dưới góc độ quản lý, chính phủ các nước cũng đang nỗ lực đưa ra hay áp dụng các chính sách thúc đẩy công nghiệp 4.0 đi vào thực tiễn, để vừa đối phó với bài toán về nguồn lao động, vừa tạo sự bứt phá về kinh tế và thương mại.

Trong khi các nước phát triển, các tập đoàn kinh tế lớn đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển sang các nước đang phát triển thì các quốc gia trong khu vực ASEAN cần phải điều chỉnh ngay cơ chế chính sách dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Để thích ứng với sự vận động của thế giới nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia đã nổ lực không ngừng tham gia ngày càng nhiều hơn vào việc nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm, giải pháp khoa học công nghệ mới ứng dụng vào vận hành và sản xuất.

Tại ASEAN, Singapore và Malaysia là hai quốc gia chi nhiều nhất cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; Thái Lan và Malaysia có số lượng và tỷ lệ nhân sự tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển cao nhất khu vực.

Tuy nhiên, về tổng thể thì hoạt động nghiên cứu và phát triển của cả khu vực ASEAN còn rất hạn chế. Giá trị của các hoạt động nghiên cứu và phát triển ở ASEAN tăng khoảng 2-4% nhưng 2/3 trong số các hoạt động đó do các tập đoàn đa quốc gia thực hiện.

Nguyên nhân là do không phải quốc gia nào cũng nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc nghiên cứu phát triển, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới.

Đối với khu vực ASEAN và Trung Quốc, việc áp dụng khoa học công nghệ thông minh đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, dựa trên sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này, nhằm đạt được sự phát triển bền vững.

Song song đó, phải củng cố sức mạnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua việc kích thích văn hóa nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nhằm thu hút các dự án nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn đa quốc gia, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI mới có thể tận dụng những thành tựu đó phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Qua hội nghị, các doanh nghiệp, chuyên gia có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và hợp tác về khoa học, công nghệ, đồng thời tìm hiểu về các xu hướng, nhu cầu và cơ hội hiện tại trong ngành công nghiệp thông minh, bao gồm cả ngành công nghiệp xe thông minh, nhà máy thông minh, thành phố thông minh và những đổi mới trong tài chính trong tình hình mới. Việc hợp tác, liên kết và thu hút đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển với các quốc gia có thành tựu như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… là một phương thức phù hợp, giúp Việt Nam có thể rút ngắn thời gian cập nhật xu hướng khoa học công nghệ cũng như vận dụng hiệu quả các thành tựu nghiên cứu vào thực tế.