Để Dự án vành đai 3 hoàn thành đúng tiến độ cần “cơ chế thông thoáng”

(VOH) - Để Dự án vành đai 3 được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ, theo chuyên gia ngoài việc bảo đảm nguồn lực tài chính và năng lực kỹ thuật, một cơ chế thông thoáng là không thể thiếu.

Tại Hội thảo "Thúc đẩy Dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh đến khía cạnh cơ chế trong triển khai dự án Vành đai 3.

Để Dự án vành đai 3 hoàn thành đúng tiến độ cần “cơ chế thông thoáng” 1
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày tham luận tại Hội thảo

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, trước hết và quan trọng nhất là cơ chế để giải phóng mặt bằng. Mặc dù, Nghị quyết của Quốc hội đã cho phép "người đứng đầu của cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu… các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư". Tuy nhiên, chỉ định thầu cho bất kỳ ai, thì mức giá đền bù phải như thế nào, hỗ trợ tái định cư cần ra sao vẫn là những vấn đề phải mất nhiều công sức mới có thể giải quyết được. 

Kinh nghiệm của việc thực hiện Dự án vành đai 2 TPHCM cho thấy, đây là những vấn đề có khi phải mất đến hàng chục năm trời chưa chắc đã giải quyết xong. Dự án vành đai 3 lên kế hoạch đến tháng 6 năm 2023 giải phóng 70% mặt bằng quả thực là một kỷ lục về tiến độ thời gian.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, chúng ta đang chủ yếu căn cứ vào loại đất để đề ra mức giá bồi thường. Đất nông nghiệp, đất rừng sẽ được đền bù thấp hơn rất nhiều so với đất thổ cư. Và thông thường với mức đền bù như vậy, nhiều khi người dân sẽ rất thiệt thòi. Và đây cũng là lý do dẫn đến khiếu kiện kéo dài. 

Trong lúc đó, từ xa xưa cha ông ta đã khẳng định đất đai thì "Thứ nhất cận thị, thứ nhị cận giang" - Giá trị của đất đai do vị trí của đất đai xác định. Xác định giá đất chỉ căn cứ vào loại đất mà không căn cứ vào vị trí của đất đai là không hoàn toàn hợp lý.  

Xem thêm: TPHCM: Dự án đường vành đai 3 đã triển khai tới bước nào?

Theo TS Dũng, lần này bên cạnh loại đất thì vị trí đất cũng cần được xem xét để xác định giá đền bù cho dân. Nếu cơ chế này được giải quyết, sự đồng tình của người dân với chủ trương thu hồi đất chắc chắn sẽ cao hơn.

Ngoài ra, người dân sẽ chấp nhận việc đền bù, giải tỏa dễ dàng hơn, nếu họ được tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, việc này sẽ rất khó khăn nếu các địa phương không thể điều chỉnh quy hoạch hoặc không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu không vì những lý do bất khả kháng, thì cần cho phép các địa phương được điều chỉnh quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho việc tái định cư tại chỗ để giải phóng mặt bằng cho Dự án vành đai 3.

Để Dự án vành đai 3 hoàn thành đúng tiến độ cần “cơ chế thông thoáng” 2
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 3 qua địa phận TPHCM

Dự án vành đai 3 chia thành 8 dự án thành phần, mỗi dự án thành phần lại đều phải trải qua trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định đầu tư như đối với dự án đầu tư công nhóm A. TS. Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi: "Cách làm này quả thật không biết có hợp lý hay không?".

Khi Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai, thì cần tiến hành các thủ tục tiếp theo cho cả Dự án này. Trong đó, chủ đầu tư là TPHCM sẽ ký hợp đồng với các địa phương khác để triển khai các phần việc cấu thành của Dự án. Làm theo cách này sẽ không chỉ tiết kiệm được thời gian, mà còn bảo đảm được sự nhất quán của các chuẩn mực và quy trình kỹ thuật. Ngoài ra, phần đường vành đai đi quan địa phương nào vẫn do địa phương đó đảm nhận.

Thứ ba, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nên áp dụng công nghệ một luật sửa nhiều luật của thế giới cho việc triển khai Dự án đường vành đai. Công nghệ một luật sửa nhiều luật được hiểu là: khi một chính sách lập pháp mới được thông qua, thì tất cả những chính sách lập pháp trái với chính sách này trong các đạo luật khác đều bị sửa đổi tương ứng. 

Khi Dự án đường vành đai với bản thiết kế kỹ thuật của nó được thông qua, thì tất cả các loại đất đai đều đương nhiên được chuyển đổi tương ứng. Tiến hành các thủ tục riêng rẽ để chuyển đổi đất rừng, đất lúa phục vụ việc xây dựng Dự án sẽ rất tốn kém thời gian, công sức, mà gần như không bổ sung được giá trị.

Vành đai 3 TPHCM sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho việc phát triển đô thị và kinh tế. Cho dù tận dụng những cơ hội này để hoạch định chiến lược phát triển không phải là một phần của Dự án, nhưng là điều mà các địa phương cần quan tâm ngay từ đầu - TS. Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định.

Dự án Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận TPHCM và 03 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Long An); được chia thành 08 dự án thành phần vận hành độc lập.

+ Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh: 08 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 02 - 03 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h.

+ Quy mô giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1): 04 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 02 - 03 làn xe), đầu tư không liên tục.

+ Tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng.

+ Tiến độ thực hiện dự án: 2022- 2027.

Dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Bình luận