Kiến nghị xác định giá đất bồi thường theo nguyên tắc thị trường

(VOH) - Đó là ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại hội nghị phản biện sâu đối với Luật Đất đai (sửa đổi).

Hội nghị phản biện sâu đối với Luật Đất đai sửa đổi được Ban Thường trực Ủy Ban Trung Ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến vào sáng nay 15/9, 8 nhóm vấn đề cùng các kiến nghị đã được tổng hợp để kịp gửi đến trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 được tổ chức dự kiến vào tháng 10 tới đây.

Chủ trì hội nghị là Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà.

Hơn 3.000 đại biểu tham dự hội nghị từ các điểm cầu trên cả nước đã tập trung đóng góp phản biện để dự thảo Luật Đất đai sửa đổi khi được thông qua sẽ thực hiện thể chế hoá được nghị quyết 18 của Trung Ương, khai thông bế tắc để đẩy mạnh sự phát triển của đất nước. Sau hơn 8 năm thực hiện Luật Đất đai, ngoài những thành quả thấy rõ thì cũng đã phát sinh nhiều vướng mắc khi chưa đáp ứng phát triển.

Dự thảo luật Đất đai sửa đổi đã được dày công chuẩn bị, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nhiều quy định trong dự thảo vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, chưa thể chế đầy đủ các chính sách mới trong Nghị quyết số 18-NQ/TW. Vẫn còn nhiều nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai cần quy định rõ hơn. Để sửa đổi Luật Đất đai phải đánh giá tác động liên quan đến 112 luật hiện hành, đây là vấn đề khó, vì vậy cần hết sức khoa học, thận trọng và trách nhiệm.

Kiến nghị xác định giá đất bồi thường theo nguyên tắc thị trường 1
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại điểm cầu TPHCM

Tại điểm cầu TPHCM, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị, nên quy định thêm trách nhiệm của Ủy ban nhân dân địa phương trong việc thực hiện cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê trả tiền hằng năm; Xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, không nên chỉ căn cứ vào bảng giá đất nhà nước, đảm bảo bồi thường tương đương, thậm chí cao hơn so với giá trị đất đai bị thu hồi. Ngoài ra, cần làm rõ phương án bồi thường bằng giá trị tương đương hoặc cao hơn giá trị người dân đang thụ hưởng để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân.

Về công nhận quyền sử dụng đất, nên sửa đổi thành công nhận quyền sử dụng đất dựa trên các giấy tờ liên quan có tác dụng giúp người sử dụng đất có thể tiến hành đăng ký hợp pháp thửa đất đó và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu đáp ứng ba yêu cầu: đúng quy hoạch của Nhà nước, không bị tranh chấp và được địa phương xác định sử dụng ổn định và lâu dài. Ngoài ra, khuyến khích tổ chức hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp. Điều này đã được Trung ương làm rõ và cung cấp các chính sách ưu tiên việc thuê đất trong cùng một phạm vi để tập trung đất, hỗ trợ người dân bằng cách giới thiệu chủ sở hữu đất liền kề để chuyển nhượng và giao dịch đất đai, phục vụ cho mục đích tập trung đất.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói thêm: “Về bố trí tái định cư thì bổ sung thêm thì cho người bị thu hồi đất lựa chọn giữa chấp nhận mua suất tái định cư hoặc được nhận bồi thường bằng tiền; bổ sung thời hạn sử dụng đất mà trước đây trong Luật đất đai cũng có quy định rồi nhưng chúng ta nên có một thời hạn tối đa đề nghị bổ sung làm rõ trách nhiệm của cơ quan chính quyền trong việc xác minh, rà soát trong giao dịch chuyển nhượng đất cũng như nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cuối cùng là bổ sung các quyền của người sử dụng đất thêm một chủ thể nữa là tổ chức trong nước cũng như các quyền của các hộ gia đình liên quan tới người Việt Nam định cư ở nước ngoài”

Theo bà Võ Thị Kim Hồng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, nếu giải quyết không thấu đáo sẽ dẫn đến việc khiếu nại dai dẳng, lâu dài, phát sinh mâu thuẫn trong xã hội. “Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp phục vụ cho mục đích công cộng. Còn tất cả các dự án do tư nhân làm cho dù có phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng đi nữa nhưng ngoài mục đích công cộng thì nhà nước không thu hồi mà phải để cho nhà đầu tư thương lượng với nhân dân vì nhà đầu tư thực hiện các dự án cũng vì lợi nhuận cho nên nhà nước không thể can thiệp vào các trường hợp đó được để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân vì đối với người dân thì đất đai cực kỳ quan trọng, có thể nói là sống còn của họ”

Còn ông Lâm Tấn Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 11, đối với những dự án sau khi nhà nước thu hồi thực hiện nếu có thay đổi mục đích sử dụng đất từ mục đích công cộng sang mục đích kinh doanh, thương mại thì bắt buộc phải có dự án bồi thường bổ sung để hỗ trợ, bồi thường cho những người bị thu hồi đất. Về vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai, ông Hùng cho ý kiến, luật đã điều chỉnh tất cả tranh chấp đất đai đều thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án thì không nên quy định thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai ở cấp xã là thủ tục bắt buộc nữa.

Ông Hùng kiến nghị thêm: “Vấn đề quy hoạch rất khó để điều chỉnh hoặc hủy bỏ vì muốn điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch của các quận nội thành phải tuân theo quy hoạch của thành phố hoặc quân khu. Tôi lấy ví dụ điển hình là ở quận 11 có một dự án 5 ha Đầm Sen có hai chủ đầu tư. Có thể dự án này không phát sinh lợi nhuận cho doanh nghiệp nên họ không thực hiện. Vì vậy tôi có đề nghị đưa vào điều khoản là đối với những dự án có từ hai chủ đầu tư đã đăng ký thực hiện nhưng không thực hiện thì dự án đó phải được điều chỉnh hoặc hủy bỏ để đảm bảo quyền lợi cho những người sử dụng đất ở đây”.

Dự thảo Luật sau khi được lấy ý kiến góp ý bổ sung và khi được thông qua, tổ chức thực hiện tốt sẽ góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, là cơ sở pháp lý đẩy mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.