Đề nghị sửa điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

VOH - Ngày 27/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo Dự luật quy định người dân được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi từ đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Bên cạnh đó, có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Người dân từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Dự thảo luật nêu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ…

800 Quoc hoi
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng dự luật quy định độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đủ 75 tuổi trở lên, nhưng độ tuổi này cao so với độ tuổi trung bình của nước ta hiện nay.

Ông Thông dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam là 73,7 tuổi, năm 2022 là 73,6 tuổi.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị nên tính toán hạ độ tuổi này xuống cho phù hợp với thực trạng độ tuổi trung bình của dân số Việt Nam hiện nay, để chính sách này thực sự mang lại ý nghĩa trong thực tiễn.

Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được quy định trong Luật, do Quốc hội quyết định, quy định. 

Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 20 dự thảo Luật quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại điểm a khoản 1 Điều này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ.

Đại biểu Ngân đề nghị, cần nghiên cứu, xem xét lại nội dung quy định này để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đúng thẩm quyền.

Bên cạnh đó, đại biểu Ngân cho biết, dự thảo Luật cũng có quy định ngoại lệ đối với đối tượng được ưu tiên, theo đó người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì chỉ cần “từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi” sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Tuy nhiên đối với quy định về giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì lại chỉ đối với điểm a khoản 1 là trường hợp “Đủ 75 tuổi trở lên”.

Để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đại biểu đề nghị theo hướng khi giảm dần độ tuổi ở điểm a khoản 1 thì đồng thời độ tuổi đối với trường hợp ở khoản 2 cũng sẽ giảm tương ứng, bởi nếu không sẽ dẫn đến có thể có trường hợp khi giảm độ tuổi nhiều lần ở điểm a khoản 1 sẽ về bằng với độ tuổi tại khoản 2.

Tức là lúc này sẽ không còn là quy định ưu tiên nữa, và trường hợp này người hưởng bình thường với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn độ tuổi lại là như nhau.

Ngoài giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nhằm mở rộng cơ hội thụ hưởng chế độ an sinh, trong đó có lương hưu, dự thảo luật cũng đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Đại biểu Vương Thị Hương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, đồng tình với quy định về giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm quy định tại Điều 68 của dự thảo Luật. Quy định này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, cũng phù hợp với thực tế, khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển. Hơn hết, tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn, hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Bình luận