Đề xuất cấm doanh nghiệp Nhà nước rót vốn vào BĐS để tránh rủi ro

VOH - Sáng 7/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đề xuất cấm doanh nghiệp Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản.

Đây được coi là bước tiến quan trọng nhằm quản lý vốn hiệu quả và tránh lãng phí.

Theo Dự thảo luật, doanh nghiệp có vốn Nhà nước sẽ không được phép đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và quỹ đầu tư mạo hiểm, trừ trường hợp có chức năng đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước trong các lĩnh vực này. Điều này nhằm ngăn ngừa việc sử dụng vốn Nhà nước sai mục đích và tăng cường kiểm soát rủi ro.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, quy định này sẽ giúp quản lý chặt chẽ việc đầu tư vốn Nhà nước, hạn chế các hành vi đầu tư không hiệu quả trong các lĩnh vực đầy rủi ro. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng, việc cấm này có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh.

Nguyen Khac Dinh
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Báo Dân Trí

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng đồng tình với việc cấm doanh nghiệp Nhà nước rót vốn vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Tuy nhiên, ông cho rằng, việc quản lý đầu tư của doanh nghiệp hiện tại chưa thực sự phân cấp rõ ràng, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính phức tạp, gây cản trở đến quá trình quản lý và vận hành doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh rằng, khi vốn Nhà nước đã được đầu tư vào doanh nghiệp, phải coi đây là tài sản và vốn của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần được quyền tự quyết trong các hoạt động đầu tư và kinh doanh, tránh tình trạng "cái gì cũng phải đi xin", làm mất cơ hội kinh doanh.

Ông Định cũng bày tỏ quan ngại về việc nhiều quy định tại Dự thảo luật còn rườm rà, cần cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và tăng cường phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa ra quyết định, tận dụng các cơ hội kinh doanh và tăng hiệu quả sử dụng vốn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đồng tình với ý kiến này, nhấn mạnh rằng cần có sự tách bạch rõ ràng giữa chức năng của các bộ, ngành quản lý doanh nghiệp Nhà nước, tránh việc chồng chéo và gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và tránh tình trạng "chỗ này tưởng chỗ kia quản".

Bình luận