Đề xuất “cắt” điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

(VOH) - Sáng nay 18/6, Quốc hội thảo luận Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

Các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa ở tất cả các lĩnh vực, để tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay tại các địa phương tình trạng xây dựng không phù hợp với quy hoạch được duyệt, xây dựng trên đất không được cấp giấy phép xây dựng diễn ra khá nhiều. Các đại biểu đề nghị bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ phần công trình không có, không đúng với giấy phép, phần công trình không phù hợp với quy hoạch vì luật hiện hành không quy định buộc tháo gỡ phần công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch nhưng Nghị định 139 năm 2017 có quy định biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo đại biểu Lê Công Đỉnh, đoàn Long An, tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng rất khó ngăn chặn nhất là khi các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm. Nếu chỉ tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì chưa đủ ngăn chặn. Lập biên bản, khi lực lượng đến họ ngừng, khi lực lượng đi họ tiếp tục vi phạm, thậm chí họ nghĩ phạt xong cho tồn tại. Thực tế ít công trình nào bị tháo gỡ. Bổ sung biện pháp ngưng cung cấp dịch vụ điện nước sẽ đảm bảo mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời.

cắt nước

Một số đại biểu đề xuất “cắt” điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Ảnh: HL)

Theo Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, đoàn Lâm Đồng dự thảo luật cần tiếp tục rà soát và giải quyết hài hòa mối quan hệ phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực trong thực hiện quyền hành pháp và tư pháp. Cách tiếp cận của dự thảo luật như hiện nay là ngày càng nâng cao mức phạt tiền tối đa trên các lĩnh vực cụ thể, nếu chỉ xét riêng về mức phạt tiền thì hợp lý nhưng nếu đặt trong mối quan hệ hành pháp – tư pháp cần cân nhắc, các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính vẫn chưa có sự thay đổi nhiều.

Theo đại biểu, việc bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu không tính toán kỹ, thủ tục không chặt chẽ, đối tượng áp dụng quá rộng, không chính xác sẽ dẫn đến khả năng gây ra các thiệt hại của tổ chức cá nhân lớn hơn nhiều so với yêu cầu bảo đảm thực thi quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Về thời hạn lập biên bản hành chính, Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, đoàn TPHCM cho biết không nên đưa quy định thời hạn lập biên bản là 24h, 48h và 3 ngày làm việc vào trong dự thảo. Bởi việc lập biên bản là để ghi nhận hành vi vi phạm hành chính, cơ sở cho việc xử lý do đó việc phân chia thời hạn là không cần thiết bởi việc phân chia các loại thời hạn sẽ làm phát sinh các khó khăn phức tạp do phải xác định trường hợp nào phải lập trong từng khung thời gian lập biên bản, nếu quá thời hạn 24h mà không lập thì phải xử lý như thế nào…

Theo đại biểu Võ Đình Tín đoàn Đắk Nông, đối với người nghiện ma túy cần có chính sách cai nghiện cho họ, coi đây biện pháp cai nghiện cho họ chứ không phải là hình phạt và không đưa người nghiện ma túy vào trường giáo dưỡng, người nghiện ma túy phải được áp dụng các biện pháp để cai nghiện.

Đại biểu cũng đề nghị chuyển việc xem xét từ kỳ họp thứ 10 sang kỳ họp thứ 11 cho phù hợp với luật phòng chống ma túy để bảo đảm tính tổng thể, tính thống nhất: “Các quy định về mang tính tổng thể về cai nghiện ma túy được quy định trong Luật phòng chống ma túy, người nghiện ma túy được quy định trong luật phòng chống ma túy, ngoài ra còn các biện pháp khác… Chuyển việc xem xét từ kỳ họp thứ 10 sang kỳ họp thứ 11 cho phù hợp với luật phòng chống ma túy để bảo đảm tính tổng thể, tính thống nhất…”

Các trạm thu phí phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng trước ngày 31/12/2020 - Theo quyết định mới của Thủ tướng, đến cuối năm 2020, các trạm thu phí đường bộ không thực hiện việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng sẽ tạm dừng thu phí.

Xe container lật đè xe khách limousine khiến 3 người tử vong - Một chiếc xe container lật đè xe khách limousine khiến 3 người tử vong tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh.