Dự luật này dự kiến thông qua tại kỳ họp này (ngày 25/6), tuy nhiên, phát biểu thảo luận Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị xem xét thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 để có thêm thời gian đánh giá sự ổn định, tác động thực tế của chính sách cải cách tiền lương đối với chính sách bảo hiểm.
Còn Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng với sự chuẩn bị như hiện nay và thay đổi chính sách không có đánh giá đầy đủ tác động, chưa thể thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong kỳ 7.
Bà đề nghị kỳ này chỉ nên tiếp tục thảo luận và thông qua tại kỳ 8. Chính sách bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội dựa trên nền tảng chính sách tiền lương, do đó khi cải cách tiền lương chưa triển khai (tháng 7/2024 mới bắt đầu) thì chưa thể thông qua luật này.
Theo bà Ry, không có đánh giá được về sự ổn định, rõ ràng, minh bạch với thang, bảng lương của các nhóm chức danh, vị trí việc làm theo cải cách tiền lương thì không thể tính toán cụ thể, chính xác, ổn định các chế độ bảo hiểm xã hội.
Nếu vội vàng thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, có thể luật mới ban hành đã phải sửa đổi ngay, ảnh hưởng hàng triệu lao động.
Cần có giải pháp để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung báo cáo, tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đánh giá đây là Luật khó với nhiều chính sách mới, phức tạp liên quan đến nhiều vấn đề được người lao động và người sử dụng lao động cũng như dư luận xã hội quan tâm.
Liên quan đến vấn đề tiền lương hưu do nghỉ hưu sớm. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh chia sẻ, qua thực tế tìm hiểu nguyện vọng của người lao động và ý kiến của nhiều hiệp hội, ngành nghề trong quá trình tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (Sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị nghiên cứu, kế thừa Luật Bảo hiểm xã hội (2006), người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 20 năm được nghỉ hưu sớm.
Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này cần bổ sung quy định cho phép người lao động hưởng lương hưu sớm và thời gian nghỉ sớm tối đa là 05 năm so với tuổi nghỉ hưu.
Về mức độ hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho biết, theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội (2014), mức hỗ trợ đối với nhóm lao động yếu thế, khu vực nông thôn hiện nay là quá thấp.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đã có bước phát triển, vì vậy đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này cần bổ sung quy định về việc nâng mức hỗ trợ của nhà nước lên cao hơn để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhiều hơn.
Đồng thời, để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị cần nghiên cứu phương án hỗ trợ cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với người lao động thật sự khó khăn và có xác nhận của doanh nghiệp với thủ tục nhanh, gọn, thuận lợi, việc hỗ trợ cho vay cần dựa vào thời gian đóng bảo hiểm.