Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đề xuất trình tự mới trong xử lý tài sản công

VOH - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định thẩm quyền và thủ tục xử lý tài sản công được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc đề xuất trình tự, thủ tục lập và phê duyệt phương án xử lý tài sản.

Theo dự thảo, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân gồm nhiều loại như tài sản bị tịch thu, bất động sản vô chủ, tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, di sản không có người thừa kế, hàng hóa tồn đọng trong các cảng và kho hải quan, hoặc tài sản được chuyển giao tự nguyện cho Nhà nước.

Ngan hang tai san cong

Ngoài ra, tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao sau khi kết thúc hoạt động, tài sản từ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), và tài sản bị chôn giấu hoặc chìm đắm cũng được đưa vào diện quản lý này.

Theo quy định dự kiến, các cơ quan quản lý tài sản công chịu trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản trong vòng 15 ngày kể từ khi có quyết định tịch thu hoặc các kết quả giám định liên quan. Hồ sơ bao gồm văn bản đề xuất phương án, quyết định tịch thu, và các giấy tờ liên quan.

Trong trường hợp không có cơ quan quản lý cấp trên, đơn vị chủ trì quản lý tài sản gửi trực tiếp hồ sơ đề xuất tới cơ quan có thẩm quyền. Sau khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan cấp trên có trách nhiệm lập phương án và gửi đến cơ quan quản lý tài sản công trong thời hạn 15 ngày.

Sau cùng, trong 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, các cơ quan cấp thẩm quyền như Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, hoặc UBND các cấp sẽ xem xét và phê duyệt phương án xử lý hoặc phản hồi nếu phương án không phù hợp.

Dự thảo cũng đưa ra quy định xử lý tài sản đặc thù như vật chứng vụ án, tài sản bị tịch thu của người bị kết án, hoặc tài sản từ quỹ xã hội, từ thiện bị giải thể.

Việc chuẩn hóa quy trình lập và phê duyệt phương án xử lý tài sản công không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn đảm bảo minh bạch và phù hợp với pháp luật hiện hành. Bộ Tài chính kỳ vọng nghị định mới sẽ góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài sản công, đồng thời giảm thiểu các bất cập trong việc xử lý các tài sản thuộc quyền sở hữu toàn dân.

Bình luận