Quyết định nêu rõ về điều kiện tham gia hoạt động khi áp dụng biện pháp theo từng cấp độ dịch trên phạm vi toàn địa bàn Thành phố.
Về qui định chung thì người tham gia các hoạt động phải tiêm ít nhất 01 liều vắc xin (đối với vắc xin yêu cầu tiêm 02 liều) sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Nếu người thuộc diện phải tiêm vắc xin nhưng không thể tiêm do có chống chỉ định: phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế về chống chỉ định (thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế). Trẻ em chưa đến tuổi tiêm vắc xin: được tham gia các hoạt động khi đi kèm với người lớn đã tiêm vắc xin Và các yêu cầu về xét nghiệm còn hiệu lực, thực hiện theo quy định của từng hoạt động cụ thể.
Quy định tạm thời các biện pháp áp dụng theo từng cấp độ dịch trên phạm vi toàn địa bàn Thành phố bao gồm tại hai đề mục: cơ quan, công sở, giao thông, giáo dục và trên phạm vi phường, xã, thị trấn.
Chợ truyền thống, đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…
Các siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối... được phép hoạt động có điều kiện ở các phường, xã, thị trấn cấp độ 1, 2, 3; hoạt động hạn chế ở địa phương cấp độ 4.
Trong đó, TP.HCM ban hành quy định tạm thời các biện pháp áp dụng theo từng cấp độ dịch trên phạm vi phường, xã, thị trấn đối với các hoạt động tại chợ, siêu thị…
Theo đó, ở các phường, xã, thị trấn cấp độ 1, 2, 3, các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm, chợ truyền thống, chợ đầu mối được phép hoạt động có điều kiện.
Cụ thể, các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm, chợ truyền thống, chợ đầu mối hoạt động có điều kiện đảm bảo theo các Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 tại siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm, chợ truyền thống, chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố và các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương, cơ quan chuyên môn.
Tại các phường, xã, thị trấn cấp độ 4, các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm, chợ truyền thống, chợ đầu mối phải hoạt động hạn chế.
Cụ thể, các siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ lương thực thực phẩm hoạt động tối đa 50% công suất tại cùng một thời điểm.
Chợ truyền thống phải hạn chế số người hoạt động cùng một thời điểm. Chỉ cho phép hoạt động đối với các ngành hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm trong chợ, giảm công suất phục vụ của chợ; tăng cường hình thức bán hàng trực tuyến; thực hiện biện pháp giảm số lượng tiểu thương, người phụ việc, khách mua sắm... tại chợ trong cùng một thời điểm, phù hợp với tình hình thực tế.
Chợ đầu mối hoạt động hạn chế số lượng người hoạt động cùng một thời điểm; tăng cường thực hiện giao dịch, bán hàng trực tuyến, hạn chế số lượng thương nhân và khách đến giao dịch trực tiếp tại chợ. UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện biện pháp giảm số lượng người phụ việc, người bốc dỡ hàng hóa,... cùng một thời điểm, phù hợp với tình hình thực tế. Hoạt động cụ thể thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương.
Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo được phép hoạt động ở các phường, xã, thị trấn cấp độ 1; hoạt động hạn chế ở khu vực cấp độ 2 (phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19). Tại các phường, xã, thị trấn cấp độ 3, cấp độ 4, không được phép bán hàng rong, bán vé số dạo.
Các cơ sở kinh doanh các dịch vụ như: massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke...
Hoạt động phải đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương, Thành phố.
Người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; Người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.
Hoạt động tối đa 50% công suất tại cùng một thời điểm ở cấp độ 2, hoạt động tối đa 25% công suất tại cùng một thời điểm ở cấp độ 3; không hoạt động các dịch vụ: bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke ở cấp độ 4. Hoạt động cụ thể theo hướng dẫn của Sở Y tế.