Theo đó, thành phố xây dựng phương án mở cửa trường học theo cấp độ dịch của từng địa phương.
Cụ thể, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp; không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường; những cơ sở giáo dục ngoài công lập nếu đảm bảo các điều kiện an toàn có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh.
Trường học phải đảm bảo giãn cách, được đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn trong ngành giáo dục. Đồng thời, các trường cũng chuẩn bị hạ tầng công nghệ, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy trực tuyến khi dịch bệnh phức tạp.
Ở các địa bàn này, trường đại học được tổ chức dạy học trực tiếp nếu đáp ứng bộ tiêu chí an toàn, đội ngũ giảng viên và sinh viên tham gia dạy học trực tiếp được tiêm đủ liều vắc xin.
Với địa bàn được xác định dịch được cấp độ 3 (nguy cơ cao), các trường tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.
Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định việc học dạy học cho từng lớp, khối lớp.
Với cấp phổ thông ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và lớp 12.
Trường hợp tổ chức học trực tiếp cho học sinh, sinh viên phải bố trí lệch giờ lệch ca, không tập trung đông người, giãn cách tối đa đảm bảo giới hạn về số người học/lớp theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn Covid-19 của thành phố.
Còn đối với các địa bàn dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học...
Với cấp học mầm non và phổ thông giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp, phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học trên truyền hình, có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập.
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng lưu ý các cơ sở giáo dục rà soát tình hình cơ sở vật chất trê địa bàn, kể cả các trường ngoài công lập. Có kế hoạch, tiến độ bàn giao các trường được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực trạng và kế hoạch sửa chữa cụ thể.
Đồng thời, kiến nghị Ban quản lý xây dựng các công trình địa phương chủ trì thực hiện và có cơ chế phê duyệt, cấp kinh phí nhanh, nhanh chóng hoàn thành sữa chữa cơ sở vật chất nhà trường sau khi trưng dụng phục vụ phòng chống Covid-19.