Hàng chục nắp che, cầu dao cột đèn ở Thủ Thiêm bị mất trộm
Hàng loạt nắp che cột đèn chiếu sáng trên đường Bùi Thiện Ngộ, phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức (khu đô thị Thủ Thiêm) bị mất trộm, có cột đèn mất luôn cầu dao. Tuyến đường này dài khoảng 2,2km, có hai làn xe chạy với khoảng 60 cột đèn, tuy nhiên theo ghi nhận, nắp che bị mất gần hết.
Tuyến đường Tố Hữu (đoạn giao với đường Bùi Thiện Ngộ) cũng có một số cột đèn bị mất nắp che, cầu dao. Những nắp che này được làm bằng sắt dày, rộng bằng một gang tay, dài khoảng hai gang tay người lớn, được cố định vào cột đèn bằng bốn con ốc.
Chưa hết, hai nắp cống bằng sắt dài khoảng 1m, rộng khoảng 0,5 mét trên đường này cũng bị kẻ trộm lấy mất.
Lãnh đạo UBND phường An Lợi Đông cho biết đã nắm được vụ việc. Tuy nhiên, tuyến đường Bùi Thiện Ngộ vẫn còn thuộc quản lý của Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh, chưa bàn giao hoàn toàn cho chính quyền địa phương.
Lực lượng chức năng địa phương cũng thường xuyên đi tuần tra, xử lý những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, nhưng có thể kẻ gian lợi dụng lúc đêm tối, vắng người qua lại để trộm.
Bụi đỏ sân bay Long Thành lại mù mịt trên cao tốc
Thời gian gần đây, nhiều tài xế lái xe trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây phản ảnh bụi đỏ từ dự án sân bay Long Thành bay mù mịt, rất nguy hiểm. Dòng xe đang chạy trên cao tốc, khi gặp bụi đỏ phải giảm tốc độ, nối đuôi đi qua.
Khung giờ cao điểm bụi đỏ bay khoảng từ trưa đến chiều cùng ngày. Cứ khoảng 20-30 phút là một trận bụi đỏ từ dự án sân bay Long Thành nổi lên như "vòi rồng" rồi theo hướng gió tạt qua đường cao tốc.
Cùng thời gian này năm trước, bụi đỏ từ dự án sân bay Long Thành cũng "tấn công" hàng ngàn hộ dân và nhiều công trình, xí nghiệp, trường học… xung quanh các địa phương Long Thành, Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Nhiều giải pháp được cơ quan chức năng đưa ra để khắc phục, giảm thiểu nhưng đến nay bụi đỏ từ công trường dự án sân bay Long Thành tiếp tục tái diễn.
Thủ tướng yêu cầu xử lý lãnh đạo địa phương lơ là chống bệnh dại
Cả nước ghi nhận 22 người chết vì bệnh dại, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện khẩn, chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo.
Đa số các trường hợp chết vì bệnh dại là do bị chó cắn, chó không được tiêm vắc xin, không được chủ nuôi tiêm phòng bệnh dại. Chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, số người bị chó cắn, mèo cào phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng lưu ý, tỉnh Quảng Ninh vừa qua đã xảy ra vụ chó dại cắn 14 học sinh, giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất là một số địa phương không quản lý được đàn chó, mèo nên chưa tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Theo Cục Thú y, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo cả nước hiện nay chỉ đạt 53%, đặc biệt một số tỉnh như: Quảng Bình, Hậu Giang, Quảng Nam… tỷ lệ tiêm chưa đến 10%. Cục Thú y đang phối hợp với các tổ chức quốc tế tăng cường triển khai giám sát bệnh dại trên cả nước để kịp thời đưa ra cảnh báo.
Nổ mìn, tảng đá khoảng 4 tấn lăn xuống đè sập nhà dân
Trưa ngày 15/3, Nhà máy xi măng Xuân Thành nổ mìn khai thác đá thì bất ngờ tảng đá lớn lăn từ trên đồi xuống, băng qua bức tường kè ngăn đá rồi đè sập một nhà dân ở tổ dân phố Thạnh Mỹ 2 (TT.Thạnh Mỹ, H.Nam Giang, Quảng Nam).
Tảng đá dài khoảng 2 mét, cao 1,3 mét và nặng khoảng 4 tấn. Rất may thời điểm xảy ra vụ việc, không có ai ở nhà nên không gây thiệt hại về người.
Theo người dân, gần đây, Nhà máy xi măng Xuân Thành liên tục nổ mìn vào buổi trưa. Ngoài ra, đây là khu vực thường xuyên có đá lăn mỗi khi nổ mìn, người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Gần 60 hộ dân chung quanh khu vực này vẫn nơm nớp lo sợ mỗi khi nghe tiếng mìn nổ.
Mạo danh các doanh nghiệp, thương hiệu uy tín để lừa đảo
Người lừa đảo sử dụng mạng xã hội hoặc điện thoại để giả vờ là nhân viên chăm sóc khách hàng của thương hiệu nổi tiếng, gửi tin nhắn hoặc gọi điện tri ân khách hàng nhân dịp kỉ niệm thành lập doanh nghiệp, hoặc các ngày lễ.
Họ thường yêu cầu khách hàng tham gia các nhóm trên Zalo hoặc Telegram, trong đó admin của nhóm tự xưng là giám đốc công ty hoặc cán bộ chăm sóc khách hàng.
Từ đây, người lừa đảo sẽ gửi một khoản tiền nhỏ cho khách hàng gọi là tiền trúng thưởng hoặc khuyến mãi, sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định để nhận các ưu đãi hoặc đặt cọc.
Điều đặc biệt là các tài khoản mạng xã hội thường giả mạo tên và logo của các công ty lớn để tạo sự tin tưởng. Sau khi nhận được tiền từ khách hàng, họ sẽ khóa các tài khoản và "biến mất". Và khách hàng bị mất toàn bộ số tiền.