Kon Tum: Xảy ra 7 trận động đất liên tiếp trong vòng 3 ngày
Liên tiếp trong 3 ngày nay (từ ngày 7-9/3), trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra 7 trận động đất nhỏ (động đất kích thích) với độ lớn từ 2,5-3,7 độ richter. Riêng trong ngày 7/3, xảy ra 4 trận động đất. Phần lớn là các trận trên có độ lớn dưới 4 độ richter, ít khả năng gây rung chấn.
Theo Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), động đất xảy ra tại huyện Kon Plông là động đất kích thích, xảy ra do hồ chứa thủy điện tích nước gây áp lực lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.
Bộ Giáo dục & Đào tạo cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình
Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định, giáo viên công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường, dạy chính học sinh của mình khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý.
Theo đó, hoạt động dạy thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, không tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa. Thứ hai, học sinh trong cùng một lớp dạy thêm phải có học lực tương đương nhau.
Thứ ba, tuyệt đối không cắt giảm nội dung chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm. Thứ tư, không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
Bình Thuận: Cứu được 5 thuyền viên trong vụ 2 sà lan bị sóng đánh chìm
Tính đến 12 giờ ngày 9/3, lực lượng chức năng đã cứu được 5 thuyền viên trên 2 sà lan (LA-05923 và LA-05922) bị sóng lớn đánh chìm trên vùng biển Phú Quý ngày 8/3.
Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 3, đơn vị đã đề xuất cho máy bay trực thăng ra khu vực phương tiện sà lan LA-05923 bị nạn để tìm kiếm các thuyền viên. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 9/3, máy bay đã cất cánh bay tìm kiếm trên biển.
Tại hiện trường, tàu Cảnh sát biển 6007 của Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3 và tàu SAR 413 của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực 3 cùng nhiều tàu cá của ngư dân vẫn đang khẩn trương tìm kiếm 2 thuyền viên còn lại.
Sàn forex vẫn hoạt động rầm rộ
Bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng và việc nhiều người sập bẫy đầu tư chứng khoán quốc tế và giao dịch tiền tệ quốc tế (forex), các sàn giao dịch này vẫn liên tục chiêu dụ người dân tham gia bằng nhiều hình thức.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, việc cung ứng dịch vụ mua bán ngoại tệ đều do tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đủ điều kiện kinh doanh thực hiện. Việc tổ chức sàn forex là không đúng quy định pháp luật nên các cơ quan chức năng cần phải xử lý.
Người dân đưa tiền vào sàn forex là hết sức rủi ro và không được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, nhà đầu tư cần tham khảo, tư vấn thêm từ các cơ quan chức năng và hết sức thận trọng trước những mời chào giao dịch ngoại tệ.
Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh công ty tài chính để cho vay online
Lợi dụng nhu cầu vay cấp bách của nhiều khách hàng, đặc biệt là các khách hàng từng bị nợ xấu, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh công ty con của FE CREDIT để lừa đảo và chiếm đoạt tiền của khách hàng qua hình thức vay online.
Chúng sẽ gửi cho khách hàng đường link yêu cầu khách hàng truy cập và làm theo hướng dẫn. Tuy nhiên, khi đến bước nhận tiền thì chúng yêu cầu khách hàng liên hệ với hệ thống chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn. Khi khách hàng liên hệ, đối tượng lừa đảo nêu lý do: khách hàng cung cấp sai thông tin nên không thể không giải ngân.
Tiếp tục tạm dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc với 8 huyện, thành phố
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa thông báo tiếp tục tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh do vẫn không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.
Các địa phương bị tạm dừng gồm có: Huyện Nghi Xuân, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); thành phố Chí Linh (Hải Dương); thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An); huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).