TPHCM đề xuất Chính phủ gỡ vướng dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng có tên đầy đủ là dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), kéo dài nhiều năm qua, TPHCM và Trung ương đã có nhiều cuộc họp để tìm hướng giải quyết nhưng vẫn còn bế tắc.
Gần đây, Chính phủ đã lập tổ công tác đặc biệt để gỡ vướng nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, trong đó phương thức thanh toán, cấp vốn cho dự án là điểm nghẽn nhất vì các quy định chồng chéo.
TPHCM đã trình Thủ tướng Chính phủ ba khó khăn lớn nhất, bao gồm vướng mắc trong việc huy động nguồn vốn thi công hoàn thành công trình, chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT.
TPHCM tiêu hủy khoảng 1,3 tấn ma túy từ 126 vụ án hình sự
Ngày 25/9, Cục Thi hành án dân sự TPHCM phối hợp với Công an Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố và các cơ quan liên quan đã mở kho, kiểm đếm khoảng 1,3 tấn ma túy các loại và vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy.
Hội đồng tiêu hủy đã mở niêm phong vật chứng và đưa số ma túy vào trong lò đốt ở huyện Bình Chánh để đốt cháy toàn bộ. Phương pháp đốt trong lò nhằm tiêu hủy triệt để ma túy, bảo vệ môi trường và không làm ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Số ma túy trên là vật chứng liên quan trong 126 vụ án hình sự tại TP, trong đó có số lượng ma túy rất lớn từ đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy đặc biệt nghiêm trọng, xuyên quốc gia do Huang Yen Sheng (26 tuổi, người Đài Loan – Trung Quốc) cầm đầu.
TPHCM ghi nhận một ca tử vong vì não mô cầu
TPHCM vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do não mô cầu thể tối cấp, một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính và có khả năng gây thành dịch. Bệnh nhân là một phụ nữ 53 tuổi, cư trú tại huyện Bình Chánh, được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng thở nhanh, xuất huyết da dạng bản đồ lan rộng rải rác toàn thân, vài vị trí có hoại tử trung tâm.
Theo lời người nhà, trước đó một ngày, bệnh nhân bắt đầu phát sốt, ớn lạnh và đau nhức toàn thân, sau đó xuất hiện các mảng ban màu hồng tím xuất phát từ cánh tay lan ra toàn thân.
Các bác sĩ chẩn đoán, người bệnh mắc bệnh não mô cầu thể tối cấp. Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, sử dụng kháng sinh và thuốc vận mạch. Tuy nhiên bệnh nhân đã tử vong sau 6 giờ nhập viện.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh đã đến nhà bệnh nhân để điều tra người tiếp xúc và thực hiện các biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định.
Sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô nhằm giảm nguy cơ tử vong cho trẻ em
Theo nghiên cứu, sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong từ 34% đến 81% và giảm các chấn thương nghiêm trọng từ 35 – 72 % và đồng thời có thể giảm các chấn thương khác của trẻ từ 25 – 58% trong các vụ va chạm.
Qua khảo sát, hiện chỉ có khoảng 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Trong đó tại Hà Nội đạt khoảng 2,6%, TPHCM đạt 1,1% và Đà Nẵng là 0%.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc ban hành luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay đã có gần 100 quốc gia có quy định pháp luật liên quan đến ghế an toàn cho trẻ em.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa XV thông qua có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về thắt dây an toàn và thiết bị bảo vệ trẻ em trên xe ô tô khi tham gia giao thông.
Phụ huynh xông vào lớp đánh học sinh lớp 8, đề xuất công an vào cuộc
Theo báo cáo của Trường THCS Nguyễn Du gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Tam Kỳ, Công an phường Tân Thạnh, lúc 13h15 chiều 24/9, ông H.V.L. (phụ huynh em B., lớp 8/11) tự ý xông vào trường đánh học sinh vì cho rằng các em này đã đánh con mình.
Sự việc xảy ra sau khi nhà trường tổ chức giải bóng đá theo kế hoạch Hội khỏe Phù Đổng cấp trường, trong lúc giờ ra chơi, em B. (học sinh lớp 8/11) có trêu chọc, nói khích em T. và H. (học sinh lớp 8/9) nên hai em này đuổi đánh khiến B bị sưng một bên mắt trái.
Sau khi biết chuyện, ông L. đã đến tận lớp học của hai học sinh T. và H. để đánh các em, bất chấp sự can ngăn của giáo viên và bảo vệ nhà trường. Hiện tại, nhà trường đã báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng và đề xuất công an vào cuộc để xử lý nghiêm phụ huynh có hành vi xâm phạm thân thể học sinh.
Sạt lở bờ sông vùng đầu nguồn sông Tiền ngày càng nghiêm trọng
Từ đầu năm đến nay, ghi nhận trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang có 16 điểm sạt lở mới phát sinh tại các xã Hòa Khánh, Mỹ Đức Đông, Hòa Hưng, Mỹ Lợi A, Hậu Mỹ Bắc B, Thiện Trung, An Cư…
Các tuyến sông thường xảy ra sạt lở nghiêm trọng là sông Cái Lân, sông Rạch Ruộng, sông Ông Vẽ… Tính chung trên địa bàn huyện Cái Bè hiện còn 73 điểm sạt lở cũ và mới. Ước tổng kinh phí xử lý, khắc phục lên đến 46 tỷ đồng. Trong đó có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng cần được xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản nhân dân trong tình hình mưa lũ và giông bão đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Các ngành chức năng huyện Cái Bè và xã Mỹ Đức Đông đang khẩn trương khảo sát hiện trạng sạt lở, ghi nhận thiệt hại và lắp đặt biển cảnh báo khu vực nguy hiểm trong khi chờ có giải pháp khắc phục hữu hiệu, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân, giảm nhẹ thiên tai.