- Giá lúa gạo tăng mạnh trong tình hình mới
- Chồng lấn nơi neo đậu giữa tàu cá và tàu du lịch tại Nha Trang
- Tàu phà đi Kiên Giang hoạt động trở lại
- Tiếp tục tìm kiếm người dân mất tích do sạt lở ở đèo Bảo Lộc
- Cháy lớn tại rừng thông hơn 40 năm tuổi ở Huế
- An Giang: Hàng trăm ha lúa và hoa màu bị thiệt hại do giông lốc
Giá lúa gạo tăng mạnh trong tình hình mới
Những biến động từ tình hình thời tiết cũng như các thoả thuận, chính sách mới từ các nước như Nga, Ấn Độ... đã tác động mạnh đến thị trường lúa gạo.
Một tuần sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái lên 558 USD/tấn. Tận dụng cơ hội về giá và có những thận trọng nhất định để giảm thiểu rủi ro đã là những diễn biến đáng quan tâm.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng đã kéo theo giá lúa trong nước cũng tăng theo. Khu vực miền Bắc và Tây Nguyên giá lúa lên 9.000 đồng/kg so với đầu vụ. Tại ĐBSCL, giá lúa nhiều ngày qua cũng tăng thêm 400 - 500 đồng/kg.
Dự báo giá gạo 5% tấm Việt Nam có thể tăng lên 600 USD trong tháng tới.Thậm chí, các doanh nghiệp còn tính đến kịch bản giá gạo có thể tái lập mức 1.000 USD/tấn của năm 2008.
Chồng lấn nơi neo đậu giữa tàu cá và tàu du lịch tại Nha Trang
Do lượng khách tăng cao nên việc vận chuyển khách vào giờ cao điểm thường bị ách tắc ở khu vực đường Võ Thị Sáu, thành phố Nha Trang, và tình trạng tàu cá neo đậu trong khu vực bến tàu chưa được giải quyết dứt điểm…
Một ngư dân cho hay khu vực bến tàu du lịch Nha Trang trước đây là nơi tàu cá ngư dân neo đậu từ xưa đến nay. Khu vực này thuận lợi cho ngư dân neo đậu, bán cá, làm các dịch vụ hậu cần.
Mấy ngày đông khách, ca nô, tàu du lịch ra vào liên tục khiến việc ra vào bến rất khó khăn. Thậm chí nhiều tàu gần về đến bến còn tăng tốc, đánh võng để tăng cảm giác cho du khách, rất nguy hiểm.
Tàu phà đi Kiên Giang hoạt động trở lại
Sau 3 ngày phải tạm dừng hoạt động do thời tiết xấu, sáng 30/7, các chuyến tàu, phà nối thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với đất liền đã được phép hoạt động trở lại.
Các tuyến hoạt động lại gồm Rạch Giá - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du, Hà Tiên - Phú Quốc và chiều ngược lại. Các tuyến thủy nội địa được phép hoạt động bao gồm Rạch Giá - Kiên Hải, Rạch Giá - Hòn Sơn, Hà Tiên - Tiên Hải, Kiên Lương - Hòn Nghệ và chiều ngược lại.
Trong 3 ngày hành khách bị kẹt lại đợt này, phần lớn là ở các đảo Phú Quốc, Nam Du…Tuy nhiên số lượng không nhiều.
Trong tháng 7 vừa qua các tàu, phà đã có hai đợt tạm ngưng hoạt động lên đến 7 ngày do mưa bão.
Tiếp tục tìm kiếm người dân mất tích do sạt lở ở đèo Bảo Lộc
Tối ngày 30/7, 3 chiến sĩ CSGT bị vùi lấp trong vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc đã được tìm thấy. Cả ba đều đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Như vậy chỉ còn nạn nhân tên Ngọc Anh (là người dân đang làm việc gần đó, đến hỗ trợ lực lượng cảnh sát di chuyển đồ đạc khi vụ sạt lở xảy ra) hiện vẫn đang mất tích.
Sáng 30/7, các cán bộ, chiến sĩ CSGT có mặt dọc tuyến QL20 để giải tỏa đất đá sạt lở và hướng dẫn xe cộ lưu thông. Đến hơn 14 giờ cùng ngày, các chiến sĩ mới về Trạm CSGT trên đèo Bảo Lộc ăn trưa. Khi ăn trưa xong và đang ngồi nghỉ ngơi thì tai nạn ập đến.
Vụ sạt lở nghiêm trọng này làm hàng ngàn mét khối đất từ trên cao đổ xuống đèo Bảo Lộc. Từ 15 giờ ngày 30/7, việc lưu thông qua đèo Bảo Lộc hoàn toàn ngưng trệ.
Cháy lớn tại rừng thông hơn 40 năm tuổi ở Huế
Chiều 30/7, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết trên địa bàn vừa xảy ra một vụ cháy nghiêm trọng tại khu vực rừng thông đặc dụng hơn 40 năm tuổi.
Trưa cùng ngày, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được tin báo cháy lớn tại rừng thông đặc dụng thuộc địa phận xã Thủy Bằng.
Tại hiện trường, lửa cháy lan rất nhanh, đường vào nhỏ hẹp, đồi dốc nên các phương tiện chuyên dụng không thể tiếp cận, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chữa cháy.
Hiện đã tạm thời khống chế được đám cháy, tuy nhiên vẫn chưa thể thống kê diện tích thông bị thiệt hại. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra.
An Giang: Hàng trăm ha lúa và hoa màu bị thiệt hại do giông lốc
Chiều 30/7, Ban Chỉ huy ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và phòng thủ dân sự tỉnh An Giang cho biết, mưa lớn kèm theo giông lốc xảy ra khoảng 4 giờ cùng ngày đã gây thiệt hại nhiều tài sản trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Thoại Sơn.
Có 9 căn nhà bị sập và tốc mái; 325 ha lúa và 88 ha hoa màu bị ngập úng.
Ngoài ra, 3 trụ điện ngã đổ nằm chắn ngang đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Riêng huyện Tri Tôn, do mưa lớn nên tỉnh lộ 955B bị ngập nặng nhiều đoạn.
Tính đến chiều cùng ngày, đoạn thuộc 2 xã Châu Lăng và Lương Phi vẫn còn ngập từ 40 - 80 cm. Một số nhà dân ở xã Lê Trì và xã Ba Chúc cũng bị ngập nặng.