Giá USD tăng cao
Tỉ giá thường khá ổn định trong giai đoạn đầu năm nhờ nguồn tiền kiều hối và FDI về khá mạnh. Tuy nhiên bối cảnh của năm 2024 có nhiều khác biệt, theo quan sát từ chuyên gia.
Tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm 2/3 là 24.002 đồng/USD, tăng 116 đồng (tương đương 0,5%) kể từ đầu năm đến nay. Với mức giảm có thời điểm hơn 1%, đồng Việt Nam vẫn được coi là đồng tiền mạnh nếu so sánh với đồng tiền khác của các quốc gia trong khu vực.
Giá USD mua vào, bán ra tại Vietcombank đang ở mức 24.440 - 24.810 đồng, tăng 315 đồng (1,3%) so với đầu năm.
Tại Eximbank, giá USD mua vào - bán ra cuối tuần lần lượt 24.410 - 24.800 đồng/USD, tăng 340 đồng so với đầu năm.
Trên thị trường tự do, giá mua vào và bán ra USD duy trì vượt mốc 25.000 đồng từ giữa tháng 2 đến nay. Ngày 3/3, giá 1 USD "chợ đen" mua vào - bán ra ở vùng 25.370 - 25.440 đồng, tăng 30 - 40 đồng so với phiên liền trước và khoảng 3% so với đầu năm.
Cà Mau xây dựng đề án phòng chống sạt lở
Tỉnh Cà Mau xây dựng đề án "Phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh", đề án cho thấy sẽ đầu tư xây dựng 177 công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, với kinh phí trên 31.000 tỉ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư xây dựng 30 công trình, với kinh phí trên 6.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030, đầu tư xây dựng 147 công trình, với kinh phí trên 24.000 tỷ đồng.
Mục tiêu của đề án là điều tra, đánh giá, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ biển, bờ sông, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành công tác cập nhật hiện trạng sạt lở bờ biển, bờ sông lên bản đồ Webgis; nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, bờ biển.
Phấn đấu đến năm 2025, các khu dân cư ven biển, ven sông ở vùng có nguy cơ sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi xảy ra sạt lở; quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà ở tại khu ven sông, ven biển, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
Giới trẻ TPHCM kết hôn muộn hơn cả nước gần 3 tuổi
Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê gần đây cho thấy, TPHCM không chỉ nằm trong nhóm 21 tỉnh thành có tỉ lệ sinh thấp nhất; mà còn là địa phương có độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu muộn hơn gần 3 tuổi - so với số liệu chung của các nước.
Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của TPHCM là 29,8 tuổi, cao hơn gần 3 tuổi so với số liệu chung của Việt Nam (26,9 tuổi).
Theo các chuyên gia, việc người trẻ ngại kết hôn là xu hướng chung của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Có thể thấy, người trẻ hiện có nhiều cơ hội, được lựa chọn nhưng cũng đi kèm với nhiều thách thức trong cuộc sống, kinh tế, cơ hội nghề nghiệp...
Ngoài ra, việc nuôi dạy một đứa con sau khi kết hôn cũng không thực sự không dễ dàng, cần có sự chuẩn bị kĩ càng về kinh tế lẫn tinh thần. Chưa kể tỉ lệ ly hôn cao và ngày càng tăng hiện nay cũng là lý do ảnh hưởng tới tâm lý sợ kết hôn ở người trẻ.
Việc kết hôn trễ dẫn đến có con cái muộn cũng đang là điều khiến ngành y tế quan tâm. Theo các chuyên gia y tế, giai đoạn vàng trong độ tuổi sinh sản của nữ giới là từ 20 - 25 tuổi, đây là giai đoạn buồng trứng phát triển tối ưu, ít gặp bất thường nhất.
Xu hướng hiện nay của phần lớn người trẻ cần ổn định sự nghiệp trước nên thường chọn kết hôn và có con muộn. Điều này dẫn đến thực tế phụ nữ có thai ở độ tuổi lớn hiện đã tăng lên so với chừng chục năm về trước.
Cháy xưởng nệm ở Hóc Môn
Chiều ngày 3/3, sau tiếng nổ lớn phát ra từ xưởng nệm trên đường Nguyễn Văn Bứa, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM, ngọn lửa bùng phát dữ dội. Cột khói đen ngòm cũng bốc cao.
Một số nhân viên tại đây vội tháo chạy ra ngoài, sau đó dùng bình chữa cháy mini quay lại dập lửa nhưng bất thành. Đám cháy tạo cột khói cao hàng chục mét kèm theo nhiều tiếng nổ.
Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Hóc Môn và nhiều đơn vị đã đến hiện trường, chia thành nhiều hướng phun nước dập lửa. Nhà xưởng bị cháy sản xuất nệm, do gặp vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa lan nhanh.
Tối cùng ngày, vụ cháy đã được dập tắt. Nguyên nhân và thiệt hại từ vụ cháy đang được lực lượng chức năng làm rõ.
Người dân giúp tài xế thu dọn hàng hoá sau vụ lật xe
Chiều 3/3, chủ tịch xã Tân Hợp (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra một vụ xe tải tự gây tai nạn, lật xe dẫn đến hàng hóa tràn ra ngoài. Sau vụ việc, người dân, cán bộ công an tại địa phương đã hỗ trợ tài xế thu dọn hàng hóa.
Chiều ngày 2/3, xe tải biển số 74C-034.xx do tài xế Trần Ngọc Hùng (30 tuổi) điều khiển hướng thị trấn Lao Bảo về thành phố Đông Hà.
Khi xe tải đến dốc Lương Lễ trên quốc lộ 9, đoạn qua xã Tân Hợp thì mất phanh. Chiếc xe lao vào bãi đất trống bên lề đường.
Xe lật làm hàng trăm két "bò húc" rơi vãi, nhiều thùng hư hỏng, vỡ két giấy bọc bên ngoài. Rất may, tài xế không bị thương tích, thời điểm xảy ra vụ việc không có ai khác đi đoạn đường này.