Chờ...

Điểm tin trưa 4/8: Đề xuất hạ mức phạt tiền vi phạm nồng độ cồn | Ho gà xuất hiện trở lại

VOH - Dịch vụ lừa đảo xuất khẩu lao động du lịch; Yếu tố cần để phòng chống đuối nước; Xử lý tình trạng chiếm dụng trạm buýt; Khi nào được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa là thông tin nổi bật

Khi nào được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa?

Trong Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Chính phủ nêu rõ tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác.

Điều kiện chuyển mục đích sử dụng từ 02 ha trở lên đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác bao gồm:

1- Có phương án trồng rừng thay thế hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

2- Có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt;

3- Có đánh giá sơ bộ tác động môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thời hạn sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với các thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt cho người sử dụng đất liền kề được xác định thống nhất với thời hạn sử dụng của thửa đất mà người sử dụng đất liền kề đang sử dụng.

rường hợp giao, cho thuê các thửa đất nhỏ hẹp gắn với việc chuyển mục đích sử dụng của thửa đất liền kề với thửa đất nhỏ hẹp, nằm xen kẹt thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo quy định tại Điều 171 và Điều 172 Luật Đất đai.

lua 1_voh
Chính phủ nêu rõ tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác 

Cần xử lý triệt để tình trạng chiếm dụng trạm buýt

Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng chiếm dụng trạm dừng, nhà chờ xe buýt để tập kết rác, buôn bán.

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, hiện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM được giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông công cộng bằng xe buýt ở TP.HCM gồm trụ dừng, nhà chờ.

Tuy nhiên, nhiều vị trí điểm dừng xe buýt lại đang bị chiếm dụng, vẽ bậy, tập kết rác, ảnh hưởng tới người dân đi xe buýt. Đồng thời gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Do đó, sở đề nghị Công an TP.HCM chỉ đạo các lực lượng tăng cường xử lý những trường hợp vi phạm trộm cắp, phá hoại trạm xe buýt. Ngoài ra đề nghị các địa phương phối hợp xử lý triệt để tình trạng tập kết rác ở hệ thống trạm dừng.

chiemdung_voh
Người dân đi xe buýt điện ở TPHCM - Ảnh: TTO

Yếu tố cần và đủ để phòng chống đuối nước

Tại Việt Nam, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 - 14 tuổi, cướp đi sinh mạng gần 2.000 trẻ mỗi năm. Theo các chuyên gia ngoài phổ cập dạy bơi, kỹ năng phòng chống đuối nước là rất quan trọng.
Tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nếu không duy trì các giải pháp và mô hình phòng ngừa hiệu quả.

Bên cạnh việc dạy bơi cho trẻ, cần dạy trẻ những kỹ năng an toàn trong môi trường nước, phổ cập kiến thức về cấp cứu trẻ đuối nước.

Dạy trẻ tránh xa những khu vực có nguy cơ đuối nước như ao, hồ, sông, suối… Khi phát hiện người đuối nước, hãy hô hoán và dùng cây sào, phao, dây... để họ bám và kéo vào bờ. Không nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối nước. Trang bị kiến thức sơ cứu ban đầu cho người bị đuối nước…

Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhà trường, gia đình trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ trước các nguy cơ đuối nước đồng thời tạo điều kiện để trẻ tham gia các lớp học bơi sinh tồn.

hongduoi_voh
Lớp phổ cập dạy bơi tại trường tiểu học ở Nghệ An - Ảnh: TTO

Ho gà xuất hiện trở lại, chú ý phòng bệnh cho trẻ

Bệnh viện Nhi trung ương thông tin từ đầu tháng 7 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận gần 400 trẻ mắc bệnh ho gà đến khám và điều trị. Tính từ đầu năm có gần 1.000 trẻ mắc ho gà điều trị tại đây. Trong đó, phần lớn các trường hợp mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bệnh.

Hiện bệnh viện đang điều trị cho gần 40 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó có 1 bệnh nhi nặng cần phải thở máy.

Gần đây nhất là trường hợp bé gái 24 ngày tuổi, ở Lạng Sơn, qua khai thác bệnh sử gia đình cho biết trước khi nhập viện 20 ngày, mẹ của bệnh nhi ho nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ. Sau đó, trẻ xuất hiện ho nhiều cơn rũ rượi, trong cơn ho có tím mặt và trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính nên gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi trung ương thăm khám và điều trị.

TS.BS Trần Thị Thu Hương - phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương - cho biết ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.

Đề xuất hạ thấp mức phạt tiền đối với vi phạm nồng độ cồn

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Cụ thể, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thay vì mức phạt 6-8 triệu đồng hiện hành.

Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, thay vì phạt 2-3 triệu đồng như quy định hiện hành.

Với xe máy chuyên dùng, Bộ Công an đề xuất phạt 800.000-1 triệu đồng, thay vì mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng như quy định hiện hành.

nongdo_voh
CSGT kiểm tra nồng độ cồn. - Ảnh vtv

Dịch vụ lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực

Chiều 3/8, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực diễn ra trong tuần qua. Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng chiếm đoạt tiền của 10 người với số tiền hơn 740 triệu đồng.

Đối tượng lừa đảo tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo khác nhau rồi chủ động tham gia vào các hội nhóm để tìm kiếm những người dùng có nhu cầu mua vé máy bay và xin visa đi nước ngoài. Bằng tin nhắn, đối tượng chào mời những người có nhu cầu và hứa hẹn sẽ xin được visa trong thời gian rất ngắn hoặc đảm bảo tỷ lệ thành công cao mà không cần kiểm tra hồ sơ cẩn thận.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về quy trình xin thị thực (làm visa) của một số người dân, đối tượng yêu cầu cung cấp những thông tin không cần thiết hoặc yêu cầu chuyển khoản trước những khoản phí không rõ ràng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng sẽ không liên hệ với cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào làm thủ tục mà thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Trong trường hợp gặp phải những đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần chủ động báo cáo các dịch vụ hoặc trang website nghi ngờ cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để giúp ngăn chặn hành vi lừa đảo.

baner-f-061913