Diễn đàn Kinh tế-Xã hội 2023: Tháo gỡ "điểm nghẽn," khơi thông nguồn lực phát triển

VOH - Sáng 19/9, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023 khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với sự tham dự của khoảng 450 đại biểu tham dự trực tiếp.

Diễn đàn có chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững."

Phát biểu tại phiên khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; 

Nền kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi song đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đòi hỏi những quyết sách chủ động, ứng phó linh hoạt, sáng tạo để duy trì đà tăng trưởng, có thể “lội ngược dòng” thành công.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Chương trình. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: TTXVN

Ông Thắng đề nghị các đại biểu, các nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận, bám sát chủ đề Diễn đàn để kiến nghị, đề xuất được những giải pháp hợp lý, khả thi, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc; 

Tìm ra những nhân tố phát triển mới, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu của năm bản lề 2023, tạo lập nền tảng thuận lợi góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Để xác định kịch bản tăng trưởng trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu thảo luận, tìm ra những giải pháp thực tiễn, khả thi, đột phá nhằm khôi phục các động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế; 

Đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước; khôi phục dòng vốn đầu tư; tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ cần đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản để có tác động lan tỏa, tạo tín hiệu tích cực, lập lại niềm tin giúp tăng tiêu dùng và đầu tư.

Việc làm trong sạch thị trường cần đi đôi với tạo lập môi trường thuận lợi, công bằng để khuyến khích mọi chủ thể kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà lãnh đạo, quản lý, doanh nhân tập trung trao đổi, thảo luận để xác định những biện pháp mới, có tính đột phá đưa kinh tế-xã hội Việt Nam vững vàng vượt qua thách thức; 

Biến nguy thành cơ, tận dụng được các xu hướng lớn để hoán chuyển các nguồn lực tiềm năng thành các động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Bình luận