Đăng nhập

Dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP

(VOH) - Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong phiên làm việc chiều nay 20/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ kế hoạch và đầu tư trình bày báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và báo cáo về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ, việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế. Bên cạnh các báo cáo của Chính phủ, Quốc hội cũng đã nghe Ủy ban tài chính, ngân sách báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện các nội dung trên.

img thumbXem toàn màn hình

(Ảnh: Chinhphu)

Theo đánh giá của Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm đã có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,2%), một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khá ổn định, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng (tăng 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so ước thực hiện 2014) là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, cố gắng hoàn thành vượt dự toán được giao của các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Mặc dù đạt được kết quả khả quan, song nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và khu vực chưa thực sự ổn định, môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước chưa được cải thiện nhiều, giá dầu thô giảm mạnh, nhập siêu có xu hướng tăng, thị trường tài chính, thị trường bất động sản phục hồi chưa mạnh, tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm…

Những yếu tố này đã tác động không nhỏ đến kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015; cơ cấu thu đã có những thay đổi, thu nội địa ngày càng chiếm vị trí chủ yếu, thu từ dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm, mức độ huy động vào ngân sách nhà nước từ GDP qua thuế, phí có xu thế giảm so với giai đoạn trước,...

Về công tác chi ngân sách nhà nước năm 2015 nhìn chung đã đảm bảo thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, tiết kiệm chi khá tích cực, hạn chế ban hành chính sách mới làm tăng chi, giảm nợ đọng xây dựng cơ bản khá lớn, ước thực hiện dự toán chi NSNN tăng thấp (1,4% so với dự toán). Mức dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3% GDP, trong giới hạn an toàn cho phép (65% GDP).

Mặt khác, nợ công, cùng với vấn đề vay và trả nợ đã trở nên khó khăn hơn, áp lực trả nợ và vay đảo nợ trong ngắn hạn ngày một lớn, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tích cực để thực hiện tốt chiến lược nợ công và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Về thu ngân sách nhà nước năm 2016, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Nếu không tính 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thì tổng thu ngân sách nhà nước tăng 6,1%, mặc dù đây là mức tăng dự kiến thấp, nhưng với tình hình thu từ dầu thô đạt thấp do giá giảm mạnh; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế, một số chính sách thuế đến thời điểm điều chỉnh giảm thuế suất, để bảo đảm tính chủ động, an toàn trong điều hành ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách nhà nước năm 2016 ở mức 4,95% GDP (254.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015), nợ công đến 31/12/2016 ước khoảng 63,2% GDP…

Bình luận