Gia đình ông Trịnh Văn Quyết nộp hơn 1.072 tỉ đồng

VOH - Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội vừa quyết định mở lại phiên phúc thẩm vụ án thao túng chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 21/6/2025 sau hai lần hoãn vì lý do sức khỏe của bị cáo.

Tính đến nay, ông Quyết và hai em gái – bà Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) và bà Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ kế toán Tập đoàn FLC) – đã nộp tổng cộng hơn 1.072 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Riêng từ sau lần hoãn phiên xử gần nhất hồi tháng 3, gia đình ông Quyết tiếp tục nộp thêm 100 tỉ đồng vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội.

Theo bản án sơ thẩm, ông Trịnh Văn Quyết bị tuyên 21 năm tù về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “thao túng thị trường chứng khoán”. Tòa cũng tuyên ông Quyết liên đới bồi thường thiệt hại dân sự cho các nhà đầu tư cùng bà Trịnh Thị Minh Huế – người bị tuyên 14 năm tù. Trong khi đó, bà Trịnh Thị Thúy Nga bị tuyên 8 năm tù.

FLC 2025
Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: TTO

Hai em gái của ông Quyết đã nộp đủ và vượt phần trách nhiệm dân sự được tòa sơ thẩm xác định. Cụ thể, bà Nga nộp 86,6 tỉ đồng, còn bà Huế nộp 254,3 tỉ đồng. Trong phiên xử trước đó, ông Quyết bày tỏ mong muốn bán tài sản kê biên để bù đắp toàn bộ thiệt hại 2.400 tỉ đồng. Vợ ông cũng có đơn xin tòa áp dụng Nghị quyết 164 của Quốc hội để xử lý tài sản bị kê biên.

Phiên phúc thẩm sắp tới sẽ có quy mô lớn với gần 50 luật sư, 25 bị cáo có đơn kháng cáo, cùng 134 bị hại và 396 người có quyền, nghĩa vụ liên quan yêu cầu tòa xem xét lại các nội dung trong bản án sơ thẩm.

Ngoài ông Quyết, bà Nga và bà Huế, còn có 22 bị cáo khác đề nghị giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo hoặc xin giải tỏa phong tỏa tài sản. Các nội dung kháng cáo chủ yếu xoay quanh mức hình phạt và trách nhiệm dân sự. Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư đề nghị tòa xác định lại số tiền bồi thường cụ thể.

Phiên tòa phúc thẩm lần này được kỳ vọng làm rõ các kháng cáo, đồng thời đánh giá thiện chí và nỗ lực khắc phục hậu quả của bị cáo và người thân. Đây là một trong những vụ án kinh tế lớn, có nhiều bị cáo là lãnh đạo các tổ chức tài chính, doanh nghiệp niêm yết, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán và lòng tin nhà đầu tư.

 
Bình luận