VN có khoảng 200 cơ sở đào tạo du lịch, hơn 60 đại học có khoa du lịch, 55 cao đẳng, trên 70 trường trung cấp và 4 trung tâm dạy nghề chuyên về du lịch…nhưng nguồn cung ứng nhân lực chưa đáp ứng kịp nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Tổng biên tập Báo điện tử Tổ quốc bày tỏ: "du lịch tuy hồi phục nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng, tiềm lực cũng như khát vọng vươn lên của ngành du lịch. Thực tế này cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới với tầm quan trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tại Việt Nam".
Theo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, 50% du khách nước ngoài đến tham quan du lịch Việt Nam đều đến TP. Hiện thành phố có trên 160.000 lực lượng lao động trực tiếp và khoảng 1 triệu lao động gián tiếp tham gia trong lĩnh vực du lịch. Trong khoảng 7.000 hướng dẫn viên du lịch, chỉ có hơn 4.000 hướng dẫn viên quốc tế, chủ yếu là sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.
Những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 vừa qua là một trong những trở lực làm cho lực lượng lao động trong ngành giảm nhiều, đặc biệt là đối với lao động chất lượng cao.
Có đến 80% lao động đã chuyển đổi ngành nghề. Tính đến thời điểm này, chỉ một lượng nhỏ các nhà hàng, khách sạn phục hồi lại cơ sở hạ tầng đưa vào hoạt động.
Theo Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh: "Thành phố cũng tập trung hỗ trợ các cơ sở đào tạo vực dậy, tiếp tục có những chương trình đào tại nguồn nhân lực du lịch. Vận động các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ cho lực lượng lao động học nâng cao nghiệp vụ du lịch, nhất là về giáo tiếp ngoại ngữ".
Qua khảo sát của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực ASEAN, mỗi năm ngành du lịch cần 40.000 lao động, nhưng thực tế chỉ cung cấp được 20.000. Đa số nhân lực có trình độ chuyên môn không cao, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao.
Ngành du lịch đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực có chuyên môn cao, hiện tượng "thừa thầy - thiếu thợ" trong cán cân lao động, đào tạo không đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, đào tạo chưa có hướng đi khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh...
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch nhận định rằng: "Một trong những thách thức hiện nay của ngành du lịch trên toàn cầu chính là nguồn nhân lực. VN đang khủng hoảng nguồn nhân lực ngành du lịch sau tác động của đại dịch Covid-19 và các doanh nghiệp du lịch hiện nay rất khó tuyển dụng nhân lực chuyên nghiệp đáp ứng được nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới".
Đào tạo cấp tốc hay dài hạn theo phương thức mở rộng…là những giải pháp cấp bách để giải bài toán khát nhân lực cho ngành du lịch, vừa tạo cơ hội nghề nghiệp cho lao động Việt Nam trong bối cảnh mới của phát triển du lịch 4.0.