Giải ngân vốn đầu tư công thấp nhưng... cũng đã tăng 16%

(VOH) - Việc giải ngân đầu tư công tuy có thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm nhưng về giá trị tuyệt đối thì đã thực hiện cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là tăng 16%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong buổi làm việc với Quốc hội chiều 28/10 đã giải trình thêm về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó khẳng định đây là nội dung quan trọng, then chốt để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế và được các đại biểu và cử tri cả nước quan tâm. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, công điện, văn bản để đôn đốc, chỉ đạo, triển khai, tổ chức 3 hội trực tuyến, 6 tổ công tác. Kết quả tuy có thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm nhưng về giá trị tuyệt đối thì đã thực hiện cao hơn 40.000 tỷ đồng, tức là tăng 16%. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như mong muốn là bởi 76,5% vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư đến giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Xem thêm: Bổ sung, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025

Theo ý kiến của Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công thấp đã được đề cập nhiều năm nhưng vẫn chưa được cải thiện, chậm được khắc phục. Trong đó, một trong những nguyên nhân là quy định bắt dự án giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư thành dự án độc lập trong thực hiện các dự án đầu tư. Điều này đã được nhiều địa phương kiến nghị và cũng được nêu trong Nghị quyết 29 ở phần nội dung các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đó là giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm về việc tách, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đại biểu Trần Chí Cường cho rằng, Chính phủ cũng đã có những đề xuất nhưng hiện nay chỉ mới thực hiện một số ít dự án cụ thể và một số địa phương như Khánh Hòa, như vậy là vẫn chưa thể tháo gỡ được vướng mắc này.

Đại biểu Hoàng Đức Chính - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình kiến nghị, trong việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023, cần rà soát, xác định lại mức vốn kế hoạch, chỉ xem xét bố trí vốn cho các dự án có đầy đủ thủ tục đầu tư và khả năng giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đối với các dự án cấp bách, cấp thiết thuộc danh mục bố trí vốn nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa đầy đủ thủ tục đầu tư, đề nghị xem xét bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công năm 2024-2025; đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn này so với quy định tại Nghị quyết số 43 để phù hợp với điều kiện thực tế.