Giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm là phù hợp

VOH - Sáng 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các Bộ ngành, các doanh nghiệp đã tập trung đóng góp ý kiến về một số nội dung, trong đó có việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Về điều kiện hưởng lương hưu, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định giảm số năm BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, vấn đề này đang còn có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến tán thành giảm xuống 15 năm và loại ý kiến đề nghị giữ 20 năm.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đóng góp ý kiến.

Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tán thành với dự thảo của Chính phủ trình.

Theo bà Thanh, việc quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 năm là phù hợp với Nghị quyết 28 của Trung ương, đó là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 25 xuống 15 năm và hướng tới là còn 10 năm.

Trong đó, mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp hơn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Ngoài ra, điều này cũng tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn như 45 - 47 tuổi mới tham gia lần đầu hoặc là những người tham gia liên tục, không liên tục dẫn đến nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH - vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần.

Trưởng Ban Công tác đại biểu dẫn chứng số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, trong 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu tiếp tục giữ quy định thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu như hiện hành thì sẽ có khoảng 476.000 người đã tham gia BHXH khó có cơ hội nhận được lương hưu.

Mặc dù mức lương hưu tương ứng với số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 25 xuống 15 - sẽ khiêm tốn hơn, nhưng người có thời gian đóng dài và đầy đủ nhưng với mức lương hưu hàng tháng ổn định và trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế.

Điều này góp phần đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người lao động khi về già. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với dự án Luật do Chính phủ trình về việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 25 xuống còn 15 năm.

Xem thêm: 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần: Ưu nhược điểm ra sao?

Nêu quan điểm về nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại Phiên họp.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trước đây, thời gian đóng BHXH quá dài nên nhiều người lao động rút BHXH một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch Covid-19, giữa việc phải đóng và 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng BHXH quá dài.

Nghị quyết 28 hướng tới lộ trình đóng BHXH 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm - Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến. 

Bình luận