Cân nhắc việc rút bảo hiểm xã hội một lần

(VOH) - Do hoàn cảnh kinh tế, một bộ phận người lao động thất nghiệp lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống trước mắt.

Tại Hội nghị Đối thoại Doanh nghiệp – Chính quyền Thành phố lần thứ 229, do Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM phối hợp Bảo hiểm xã hội Thành phố tổ chức, Bảo hiểm xã hội TPHCM đã phân tích vấn đề “Lợi bất cấp hại” khi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tính đến hết tháng 1/2023, toàn địa bàn TPHCM có hơn 1.000 doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Do nhiều nguyên nhân, tình trạng DN trốn, hoặc chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Tính đến hết năm 2022, thành phố có gần 2,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 61.600 người tham gia BHXH tự nguyện, hơn 8,5 triệu người tham gia BHYT. Riêng tháng 1/2023, tổng số người tham gia BHXH, BHYT trên 7,7 triệu người, trong đó tham gia BHXH tự nguyện là hơn 31.000 người.

Vấn đề người lao động lựa chọn rút BHXH một lần để có khoản tiền trước mắt, nhưng sau này sẽ phải tự mưu sinh khi tuổi già là rất đáng lo ngại. Thực trạng này không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của người lao động mà còn tạo hệ lụy cho hệ thống an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta đang chuẩn bị bước vào giai đoạn già hóa.

Cân nhắc việc rút bảo hiểm xã hội một lần 1
Người lao động làm thủ tục tại BHXH TPHCM. - Nguồn: SGGP

Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động khi về già sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu. Cụ thể như:

Người lao động mất cơ hội hưởng lương hưu hằng tháng. Đây là nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi người lao động hết tuổi lao động. Khi hưởng lương hưu, mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế. 

Người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già. Đây cũng là độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.

Thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may họ qua đời. Bởi, nếu người đang hưởng lương hưu không may qua đời, người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời. 

Số tiền người lao động nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Khi không rút bảo hiểm xã hội một lần, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành” quý giá của người lao động. Số tiền này không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý và đầu tư tăng trưởng.

Trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất mới về quy định với bảo hiểm xã hội một lần, bổ sung nhiều quy định nhằm mở rộng, gia tăng lợi ích cho người lao động để họ có thêm cơ hội được hưởng lương hưu.

Trong trường hợp gặp những khó khăn trước mắt, do mất việc làm, giảm thu nhập… người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH. Khi có điều kiện, người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để có thể thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội khi hết tuổi lao động.

Nhiều trường hợp nhận BHXH một lần, sau đó muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bình luận