Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hoàng thành Thăng Long tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" trong dịp Tết Nguyên Đán

VOH - Sáng 22/1, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức chương trình giới thiệu và tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Quang, nhấn mạnh tầm quan trọng của các nghi lễ truyền thống như "Tống cựu nghinh tân".

Đây là những nghi thức không chỉ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về tinh hoa văn hóa của ông cha.

Sự kiện năm nay có sự góp mặt của nhiều hoạt động đặc sắc, như dựng cây nêu, thả cá chép, và tái hiện một số nghi lễ cổ truyền trong Tết Nguyên Đán như Lễ tiến lịch, lễ đổi gác, theo hình thức sân khấu hóa.

Những nghi lễ này không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa cung đình xưa mà còn phản ánh phong tục Tết của người dân Việt Nam từ xưa đến nay.

nghi le
Các đại biểu tham gia thực hiện nghi lễ. Ảnh: VGP

Các nghi lễ nổi bật được tái hiện trong khuôn khổ sự kiện gồm Lễ dựng cây nêu, một trong những nghi thức truyền thống quan trọng không thể thiếu trong Tết Nguyên Đán, biểu trưng cho mùa xuân và những ước vọng tốt lành.

Lễ tiến lịch và ban lịch, thể hiện sự quan tâm của triều đình đối với thời gian, thời tiết và các yếu tố thiên nhiên nhằm phục vụ cho nông nghiệp và đời sống.

Lễ tiến xuân ngưu, được tổ chức vào ngày Lập xuân, là nghi lễ cầu mong một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.

Một nghi lễ khác là Lễ tết Chính đán, một trong những lễ thiết đại triều quan trọng vào mùng Một Tết, là dịp để vua và quan lại triều đình gặp gỡ, chúc nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới.

Năm 2024, Tết Nguyên Đán đã chính thức được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ của Liên Hợp Quốc, đánh dấu một mốc quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các quốc gia thành viên.

Nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Tống cựu nghinh tân", Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức các hoạt động khác như trưng bày không gian "Tết xưa - Tết thời bao cấp", tái hiện không khí Tết của người Việt những thập kỷ 70-80 của thế kỷ XX.

Các chương trình nghệ thuật như múa rối cũng sẽ phục vụ du khách từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên Đán, mang đến một không khí Tết cổ truyền đậm đà, giàu bản sắc.

Với các hoạt động đặc sắc này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội không chỉ tạo nên một không gian văn hóa độc đáo mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Bình luận