Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về nguồn nhân lực

(VOH) - Chiều 16/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay.

Hội nghị diễn ra với hình thức trực tuyến với sự tham gia của khoảng 150 đại biểu ở 70 điểm cầu trên toàn nội khối ASEAN, bao gồm các Bộ trưởng Lao động ASEAN; các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN; Tổng Thư ký ASEAN; Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác đối thoại của ASEAN.

Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực

Tại điểm cầu Hà Nội, Việt Nam, có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; lãnh đạo một số bộ, ngành, viện nghiên cứu, Đại sứ các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam, một số trường đại học, trường nghề, các hiệp hội và các doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn, trong đó có chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề an ninh phi truyền thống, dịch bệnh. Nhiều ngành sản xuất, nhiều phương thức sản xuất sẽ được thay thế. Nhân công sẽ bị đào thải. Và những ngành nghề mới, phương thức mới, việc làm mới sẽ ra đời.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ phải bổ sung kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc. Tỷ lệ này ở ASEAN còn cao hơn. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở 5 nước ASEAN dự báo 56% việc làm trong các nước này có thể bị ảnh hưởng nặng, thậm chí thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay, đại dịch COVID-19 đã tác động tới 2,7 tỷ lao động, chiếm khoảng 81% lực lượng lao động trên toàn thế giới. Theo một nghiên cứu chưa đầy đủ, vào quý II năm 2020 đã có 480 triệu việc làm bị mất, con số này trong khu vực ASEAN là trên 42 triệu. 

Theo Phó Thủ tướng, trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19, trên thế giới, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN đã có rất nhiều diễn đàn ở các cấp độ bàn về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Dù ở cấp độ nào, giác độ nào, các diễn đàn này đều khẳng định phải tăng cường đổi mới giáo dục để mọi người dân, ngay từ khi còn nhỏ, phải được thôi thúc, khơi dậy sáng tạo, được rèn luyện kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.

Đối với các nước châu Á, Phó Thủ tướng cho rằng việc khuyến khích tư duy đổi mới, cổ vũ cái mới, “không chỉ đơn thuần biết vâng lời” mà vẫn giữ được khuôn phép truyền thống là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh giáo dục trong nhà trường cần đặc biệt chú ý giáo dục người lớn, học tập suốt đời và phổ biến tri thức cho người dân để tất cả mọi người, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, đều có thể tiếp cận nhanh, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách chủ động nhất.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Không chỉ có giáo dục, đào tạo, mà tất cả các chính sách về an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… cũng cần thay đổi. Bên cạnh những cơ chế truyền thống, cần có những cơ chế mới để tất cả người lao động có cơ hội và nhận thức được nghĩa vụ phải tự cập nhật kiến thức, được trang bị kỹ năng nghề nghiệp mới, thậm chí luôn sẵn sàng để chuyển đổi nghề nghiệp.

Mặc dù đại dịch COVID-19 xuất hiện, nhiều vấn đề mới nổi lên nhưng những yêu cầu nói trên vẫn hiện hữu. Đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu phải nhìn nhận lại thói quen làm việc, tiêu dùng để có cơ chế, chính sách tổ chức lại cho phù hợp hơn.

Theo Phó Thủ tướng, với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như mối đe dọa thường xuyên của các yếu tố an ninh phi truyền thống, chúng ta càng phải thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác đa phương, đa chiều, thiết lập các mạng lưới, cơ chế kết nối rất linh hoạt giữa các Chính phủ với nhau, với các tổ chức, doanh nghiệp và giữa mọi người dân.

Mọi chính sách, trong đó có chính sách lao động, cần được hoạch định dựa trên quy mô và tầm nhìn, không chỉ bó hẹp ở tổ chức, cộng đồng, quốc gia mà phải mở ra ở tầm khu vực và thế giới.

Sự tham gia đồng đảo của các đối tác đến từ ASEAN và nhiều khu vực trên thế giới tại Hội nghị lần này càng minh chứng cho sự cần thiết và tầm quan trọng phải kết nối đa phương, đa chiều ở quy mô rộng hơn.

Đề cập đến vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển nói chung và phát triển nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng nhìn nhận những năm gần đây chúng ta thấy ngày càng rõ trách nhiệm xã hội ngày càng lớn của cộng đồng DN, không chỉ giới hạn ở các doanh nghiệp xã hội.

“Chúng ta khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để để khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực chính là giải pháp quan trọng trong phát triển bền vững trong tương lai”, Phó Thủ tướng nói.

Phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN được ghi trong Hiến chương ASEAN. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Những nỗ lực cần được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, liên tục để có thể thực hiện thành công Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang thay đổi, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới của xã hội tương lai.

Phó Thủ tướng tin tưởng với chương trình nghị sự rất bao quát và sự tham gia đông đảo của các đối tác, đặc biệt việc Hội nghị dự kiến thông qua Lộ trình thực hiện Tuyên bố ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực sẽ thêm một bước cụ thể hóa, hiện thực hóa những định hướng, những cam kết chiến lược của ASEAN. Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Việt Nam cam kết luôn tích cực phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên, các đối tác trong thực hiện Lộ trình này, biến cam kết chính trị trở thành hiện thực, để có rất nhiều cơ hội cho người lao động, cho DN và cho một cộng đồng ASEAN ngày càng thịnh vượng.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu tập trung ứng phó với bão số 5 - Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu tập trung ứng phó với bão số 5 năm 2020

Bình luận